Có thể “chiến dịch quân sự đặc biệt” kết thúc khoảng cuối tháng 3-2022
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) đã dự đoán một số kịch bản cũng như hậu quả khó tránh khỏi đối với cả thế giới.
- Phóng viên: Tổng thống Nga Putin tuần trước đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Theo ông, điều gì khiến Nga chọn thời điểm này để thực hiện điều đó?
- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ ngày 24-2-2022, Tổng thống Putin đã tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine. Đây là quyết định gây bất ngờ, thay đổi cục diện của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Vấn đề là tại sao? Nó xuất phát từ mối quan hệ Nga - Ukraine. Đầu tiên phải kể đến là sau sự kiện trên quảng trường Maidan ở Ukraine vào tháng 2-2014, khi đó dù Tổng thống lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovych đã có thỏa thuận với phe đối lập, nhưng ông vẫn bị phế truất. Hiến pháp nước này quy định tỷ lệ trên 75% số nghị sĩ bỏ phiếu thì Tổng thống mới bị phế truất nhưng kết quả khi đó là 71,8%, nên quyết định này là vi hiến.
Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên tàu trong cảnh di tản hỗn loạn
Kể từ tháng 3-2014, Crimea sáp nhập vào Nga, trong khi phe ly khai ở vùng Donbass của Ukraine thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng. Xung đột ở miền Đông Ukraine chỉ lắng xuống sau khi có lệnh ngừng bắn của Thỏa thuận Minsk 2 (năm 2015 - PV), thỏa thuận được coi là giải pháp duy nhất để tháo ngòi nổ xung đột. Từ tháng 3-2021 đến nay, tình hình biên giới và khu vực miền Đông Ukraine tiếp tục căng thẳng. Đầu tháng 2-2022, Tổng thống Nga đã tiếp cả Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, các quốc gia này đều đã tham gia ký kết Thỏa thuận Minsk 2. Các nhà lãnh đạo đều nhất trí thực hiện cam kết theo Thỏa thuận Mink 2 là giải pháp duy nhất, lộ trình duy nhất đem lại hòa bình ở Donbass.
Tuy nhiên, phía Nga cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky không có ý định thực hiện nó mà lại tiếp tục thúc đẩy quá trình gia nhập NATO. Phải nói rằng, nếu Ukraine gia nhập NATO thì đó là thảm họa đối với Nga. Ukraine cách Matxcơva chỉ 5 phút tên lửa siêu thanh, nên nếu tên lửa đặt ở đó thì Nga không có cách nào chống đỡ, họ thấy nguy cơ mình sẽ bị tấn công và hủy diệt. Đó là lý do Putin quyết định, trước hết là công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk ở Donbass, sau đó là mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Mục đích của 2 sự kiện này, một là giải giáp quân sự với Ukraine, hai là buộc chính quyền của Ukraine phải cam kết trung lập, đây là mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của Nga.
- Theo dõi diễn biến tình hình 10 ngày qua, ông có cho rằng cuộc xung đột này hoàn toàn có thể giải quyết bằng các giải pháp hòa bình?
- Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine diễn tiến sắp tới như thế nào sẽ khó đoán định. Người ta vẫn gọi Tổng thống Nga Putin là “một chiếc hộp kín”. Ông thường xuyên đưa ra quyết định “động trời” một cách bất ngờ và không ai có thể đoán được cả. Nhưng theo dõi tình hình, tôi thấy có 2 khả năng. Thứ nhất, cho dù khó khăn bao nhiêu thì Nga không thể sa lầy ở Ukraine vì đó sẽ là thảm họa với họ không kém việc Ukraine gia nhập NATO. Chủ trương của ông Putin thời gian vừa qua có những rào cản bất ngờ. Lý do là quân đội Ukraine hiện nay khác xa so với chính họ năm 2014. Thời kỳ đó, binh sĩ của họ phải bỏ vũ khí ở Crimea.
Nhưng 70% binh lính Ukraine hiện nay là được nhập ngũ sau khi Nga sáp nhập Crimea. Thế hệ này mang trong mình tư tưởng dân tộc, có quan điểm rõ ràng, được phương Tây đào tạo bài bản, lại được trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ và châu Âu. Tiếp theo là Mỹ và phương Tây có sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Vì thế, diễn biến sắp tới đây sẽ là 2 bên vừa kết hợp chính trị lẫn quân sự. Thứ hai, vì Tổng thống Putin quyết tâm không sa lầy ở Ukraine, quân đội Nga sẽ tiếp tục tập trung vào xóa bỏ các căn cứ hạ tầng quân sự của Ukraine. Có thể, “chiến dịch quân sự đặc biệt” này sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 3-2022 sau khi Nga và Ukraine ký được một thỏa thuận chung. Thế giới đều mong điều đó xảy ra và đều cố gắng tác động cho nỗ lực này khi đôi bên ngồi vào đàm phán.
- Thưa ông, chiến dịch quân sự diễn biến phức tạp này sẽ để lại hậu quả như thế nào đối với Nga, Ukraine nói riêng và thế giới nói chung?
- Theo tôi, cuộc khủng hoảng sẽ khó tránh khỏi tác động, tổn thất cho chính Nga, Ukraine nói riêng và thế giới nói chung. Với Nga, kinh tế nước này sẽ gặp khó khăn, thiệt hại lớn. Có thể nói chưa bao giờ Nga chịu phải đòn trừng phạt nặng nề như hiện nay. Về mặt ngoại giao, Nga cũng chịu tổn thất, bị cô lập với thế giới. Với Ukraine, nếu năm 2020-2021 họ thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk 2 thì có lẽ diễn biến không như hiện nay. Cuộc xung đột này lịch sử sẽ phán xét.
Với cộng đồng quốc tế, trước hết cuộc khủng hoảng tác động đến nền kinh tế thế giới, giá dầu tăng vọt lên 120 USD/thùng, cao chưa từng có. Giá dầu tăng kéo theo hàng loạt hệ quả giá nguyên vật liệu tăng, cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, kinh tế thế giới bị thách thức. Tác động nữa là hệ thống luật pháp thế giới bị thách thức. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn bắt đầu sang một giai đoạn mới cao hơn, quyết liệt hơn.
Đối với Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã nêu rõ, chúng ta mong muốn các bên liên quan ngồi vào đàm phán, tránh đổ máu, nhanh chóng kết thúc xung đột bằng con đường ngoại giao và luật pháp quốc tế. Xung đột Nga - Ukraine ít nhiều cũng tác động tới Việt Nam vì chúng ta có quan hệ thương mại với cả Nga và Ukraine, hay thậm chí là với châu Âu.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” và những mốc chính Ngày 24-2: Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm bảo vệ người dân tại Donetsk và Luhansk tại miền Đông Ukraine. Ukraine ban bố thiết quân luật trên toàn quốc, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Ngày 25-2: Điện Kremlin cho biết sẵn sàng đàm phán với Ukraine tại Thủ đô Minsk của Belarus. Ngày 26-2: Mỹ thông báo cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Các nước phương Tây nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Ngày 27-2: Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời tài trợ vũ khí cho Ukraine. Ngày 28-2: Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra ở biên giới giữa Belarus và Ukraine. Nhà Trắng bác đề xuất của Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Ukraine. Ngày 1-3: Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán về lệnh ngừng bắn với Nga. Ngày 2-3: Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Ngày 3-3: Nga và Ukraine đàm phán lần thứ hai về lệnh ngừng bắn. Ngày 4-3: Nhà máy điện hạt nhân của Ukraine an toàn sau vụ cháy. Ngày 5-3: Nga tuyên bố ngừng bắn để mở hành lang nhân đạo cho dân thường. |
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky kéo dài 30 phút.
Nguồn: [Link nguồn]