Cơ quan "lạ" mà tỷ phú Elon Musk sẽ lãnh đạo thuộc loại gì, hoạt động ra sao?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Dù có tên là Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nhưng đây không phải một cơ quan liên bang mới, đồng nghĩa với việc ông Musk không giữ vị trí chính thức trong chính phủ của ông Trump.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Washington Post

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Washington Post

Ngày 13/4, ông Trump thông báo tỷ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Vì sao DOGE được thành lập?

Theo tạp chí Forbes, dù có tên như vậy, nhưng DOGE không phải là một cơ quan chính phủ chính thức, mà là một ban cố vấn sẽ "cung cấp sự tư vấn và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ" như lời ông Trump viết.

Tổng thống đắc cử nêu rõ các mục tiêu chính của bộ này là “giải quyết thủ tục hành chính rườm rà, cắt giảm các quy định không cần thiết, giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang".

Ông Trump cũng thông báo bộ này dự kiến hoàn tất nhiệm vụ vào ngày 4/7/2026, tuy nhiên ông Musk đăng trên mạng xã hội X hôm 13/11 rằng ông hy vọng sẽ hoàn thành “nhanh hơn nhiều" so với dự kiến.

Hiện vẫn có ít thông tin về cách hoạt động của DOGE, và cũng chưa rõ bộ này sẽ nhận được bao nhiêu ngân sách, nhưng các bài đăng gần đây trên mạng xã hội và các phát biểu trong chiến dịch tranh cử đã tiết lộ một số thông tin.

Ông Ramaswamy đã kêu gọi thực hiện “một cuộc tinh giản lớn,” trong khi ông Musk đề xuất giảm khoảng 75% số lượng các cơ quan liên bang Mỹ. Bất kỳ thay đổi lớn nào về ngân sách cũng cần được quốc hội Mỹ thông qua.

Cắt 2.000 tỷ USD và giảm quy mô hàng loạt cơ quan lớn?

Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ hai nguồn giấu tên đã trao đổi với ông Musk về kế hoạch này cho hay, tỷ phú Mỹ có kế hoạch giảm quy mô của Cơ quan Thương mại Liên bang, Sở Thuế vụ, Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.

Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast “Joe Rogan Experience” tuần trước, ông Musk nói ông hy vọng sẽ “thu nhỏ các cơ quan chính phủ” để các cơ quan đó chỉ “thực hiện những gì mà quốc hội đã cho phép.” Ông cũng kêu gọi có các gói hỗ trợ thất nghiệp lớn cho những nhân viên chính phủ bị cắt giảm (khoảng vài năm lương) và cảnh báo “nước Mỹ sẽ khó có tương lai” nếu chính phủ không cắt giảm chi tiêu.

Tháng trước, ông Musk tuyên bố có thể xác định “ít nhất 2 nghìn tỷ USD” để cắt giảm từ ngân sách 6,75 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, ông Scott Bessent, người có khả năng sẽ đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền ông Trump, tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này và nói với Forbes tuần trước rằng ông “không rõ ông Musk đã tính ra con số đó như thế nào,” nhưng “hãy nhìn vào cách mà ông ấy quản lý các công ty của mình. Ông Musk quản lý rất tốt".

Theo Forbes, với vai trò cố vấn bên ngoài cho chính phủ liên bang, ông Musk sẽ không cần bán bất kỳ khoản đầu tư nào hay từ bỏ vị trí nào trong các công ty tư nhân của mình. Điều này có nghĩa là ông vẫn có thể tiếp tục là CEO và cổ đông lớn nhất của công ty xe điện trị giá 1 nghìn tỷ USD (Tesla), công ty hàng không vũ trụ và truyền thông trị giá 210 tỷ USD (SpaceX), và công ty trí tuệ nhân tạo trị giá 40 tỷ USD (xAI).

Không một doanh nhân nào ủng hộ ông Donald Trump nhiều như Elon Musk trong cuộc bầu cử vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Forbes ([Tên nguồn])
Tỷ phú Elon Musk Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN