Cỗ máy thiết kế chiến tranh kinh tế của Mỹ và ‘phù thuỷ’ giúp Nga ‘vượt bão’
Ba tháng sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt do Mỹ đi đầu nhằm bóp chết nền kinh tế Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, Nga tỏ ra kiên cường một cách đáng ngạc nhiên.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ. (Ảnh: CNN)
Giá đồng rúp bật tăng lên mức cao hơn cả trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Kho tiền của Nga tiếp tục đầy lên nhờ doanh thu kỷ lục từ bán dầu mỏ và khí đốt. Ngay cả McDonald cũng đã mở cửa trở lại, với tên gọi khác.
Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục tấn công dồn dập vào miền đông Ukraine, với số lượng xe tăng và pháo binh dồi dào.
Tuy nhiên, bên trong Bộ Tài chính Mỹ, một nhóm chuyên gia về trừng phạt cho rằng sự kiên cường đó chỉ là ảo ảnh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ tin rằng biện pháp trừng phạt vẫn đang phát huy tác dụng, cho rằng ở dưới bề mặt, một câu chuyện ảm đạm hơn nhiều đang xảy ra trong nền kinh tế Nga và sẽ tác động lâu dài.
“Chính phủ Mỹ đã nhìn vào đồng rúp và cho rằng Nga thực sự đã chịu được những đòn trừng phạt. Chúng tôi nói: ‘Không. Đó chỉ là tín hiệu sai!” quan chức của Bộ Tài chính Mỹ nói với CNN.
Khi xung đột nổ ra ở Ukraine, một kỷ nguyên mới của chiến tranh kinh tế cũng bắt đầu. Cuộc chiến này được thiết kế bởi các luật sư, kế toán, nhà kinh tế học và chuyên gia tài chính trong những căn phòng thuộc toà nhà của Bộ Tài chính Mỹ.
“Họ giống như những chiến binh mọt sách của chúng tôi”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ ví von.
So với những động thái gây chú ý như tịch thu siêu du thuyền và trừng phạt những người thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, có nhiều biện pháp phức tạp hơn nhiều được thiết kế để phá huỷ các trụ cột của nền kinh tế Nga, như đóng băng giao dịch trái phiếu để đẩy Mátxcơva vào tình trạng vỡ nợ chính phủ, lần đầu tiên kể từ năm 1918.
Tuy nhiên, ông Putin tuyên bố các lệnh trừng phạt đó không có tác dụng. Trong phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 17/6, ông nói rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm “đè bẹp” kinh tế Nga “không thành công”.
“Có rất nhiều khói mù, nhưng tất cả các chỉ số thực đều yếu đi”, Andrea Gacki, giám đốc Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đánh giá.
Bộ máy hùng hậu
Các chuyên gia trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ chịu giám sát của Văn phòng Tình báo và Chống khủng bố tài chính. Được lập ra từ sau sự kiện khủng bố 11/9 để phá vỡ các mạng tài chính khủng bố, văn phòng này giờ đã trở thành một công cụ trung tâm trong bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ có bộ máy tình báo riêng trong Văn phòng Tình báo và Phân tích, nghĩa là các lãnh đạo của bộ có thể tiếp cận báo cáo tình báo mật tương đương lãnh đạo quân sự của Mỹ.
Trong các năm qua, nhiệm vụ của văn phòng liên tục tăng lên, từ phá vỡ các mạng tài chính khủng bố, tập đoàn tội phạm quốc tế và các nhà buôn vũ khí trái phép, đến tấn công các nhà nước thù địch và mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, chưa có chiến dịch nào mà văn phòng này đảm nhận lớn như nỗ lực nhắm vào Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Trong số vài trăm người làm việc trong văn phòng, khoảng 2/3 được giao nhiệm vụ liên quan đến Nga, một quan chức nắm được công việc cho biết.
Bên cạnh việc kiểm tra thông tin tình báo đã được phân loại, các quan chức Bộ Tài chính nghiên cứu một loạt chỉ số thị trường để định hướng và định hình chiến lược.
Kết hợp với các đồng minh, các quan chức trong Bộ Tài chính cho biết họ có được cái nhìn theo thời gian thực chưa từng có về hoạt động của Nga.
Trong văn phòng này, nhiều quan chức chỉ tập trung tìm kiếm và chuẩn bị mục tiêu ở Nga. Mục tiêu là các công ty, chuỗi cung ứng, du thuyền, máy bay, dự trữ ngoại hối và tài sản ở nước ngoài. Sau đó, họ tìm cách có thể gây thiệt hại nhiều nhất cho những mục tiêu này.
"Vũ khí" lợi hại của ông Putin
Mỹ đánh giá rằng Tổng thống Putin có một vũ khí bí mật: Nhà kinh tế học 58 tuổi Elvira Nabiullina, người đã dẫn dắt Ngân hàng Trung ương Nga từ năm 2013.
Giới chức Mỹ thừa nhận rằng bà Nabiullina đã làm việc rất hiệu quả để giúp Nga vượt qua giai đoạn đầu của các lệnh trừng phạt, giống như bà đã làm vào năm 2014, sau khi phương Tây tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina
Lần này, bà Nabiullina đã khéo léo tăng lãi suất, kiểm soát vốn, tìm các lỗ hổng và cách lách để duy trì nền kinh tế giữa “rừng” trừng phạt. Những bước đi đó giúp đồng rúp hồi phục mạnh mẽ trong những tháng gần đây, sau khi rơi tự do trong những ngày đầu xung đột mới nổ ra.
“Họ có người lãnh đạo ngân hàng rất giỏi. Trước đây chúng tôi biết điều đó, bây giờ cũng vậy”, một quan chức Mỹ nói.
Giới chức Mỹ đánh giá bà Nabiullina là một trong những người làm việc hiệu quả nhất trong số các quan chức dưới quyền ông Putin.
Bộ Tài chính Mỹ cũng có vũ khí bí mật: Bà Janet Yellen – Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ từ năm 2014-2018. Làm việc trong cùng một giai đoạn, bà Yellen hiểu khá rõ về bà Nabiullina.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là hiểu biết vô song của bà Yellen về các ngân hàng trung ương, vì thế bà đã tham gia rất sâu vào việc thiết kế các lệnh trừng phạt. Bà đã đưa ra quan điểm về điều có thể gây tác động trực tiếp và cấp tính nhất, một nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Bà Yellen cũng gửi thông điệp quan trọng cho các đồng nghiệp nước ngoài khi họ cân nhắc kế hoạch thắt chặt trừng phạt, sau khi Mỹ nhận được thông tin rằng Nga đang cố gắng nhanh chóng chuyển tài sản để tránh bị nhắm vào.
Khả năng của bà Nabiullina trong việc tạo nên sự ổn định trong kinh tế Nga đang đặt ra những câu hỏi mới về khả năng tác động thực sự của các lệnh trừng phạt mà lãnh đạo phương Tây đã ca ngợi.
“Cho đến nay, tác động của các lệnh trừng phạt ít nghiêm trọng hơn chúng tôi lo ngại”, bà Nabiullina nói với báo chí tại Mátxcơva trong tuần này, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất về mức trước khi nổ ra xung đột.
Tuy nhiên, bà cũng nói đến tính không chắc chắn trong thời gian tới, khi nền kinh tế buộc phải chuyển hướng nhanh chóng.
“Nó cho thấy các công ty có khả năng thích nghi. Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định các lệnh trừng phạt đã có hiệu lực đầy đủ”, bà nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc nhiều ngày liên tục không có mưa, nhiệt độ cao đột ngột, khô hanh khiến hàng nghìn con bò ở Mỹ không kịp thích nghi và chết hàng loạt.