Cổ kiếm 2.000 năm sáng loáng giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô

Cổ kiếm của Việt Vương Câu Tiễn tương truyền chính là vũ khí được ông dùng để đánh bại nước Ngô, buộc Ngô Vương Phù Sai phải tự vẫn.

Cổ kiếm 2.000 năm sáng loáng giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô - 1

8 chữ viết khắc trên lưỡi kiếm có nghĩa là "Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm".

Những thanh bảo kiếm quý giá, nổi tiếng luôn gắn liền với những sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới. Loạt bài dài kỳ này sẽ hé lộ những bí ẩn có thể bạn chưa biết về câu chuyện đằng sau những thanh bảo kiếm này.

Theo Vintage News, năm 1965, trong một cuộc khai quật ở tỉnh Hồ Bắc, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện hàng loạt ngôi mộ có niên đại thời nước Sở (cách đây hơn 2.000 năm).

Hiện vật đáng chú ý nhất trong cuộc khảo cổ năm đó là một thanh kiếm tuyệt đẹp bằng đồng. Sau khi rút kiếm ra khỏi bao, người ta thấy rằng thanh kiếm này gần như vẫn còn sắc bén và sáng bóng.

Khi thử nghiệm độ sắc bén của thanh kiếm, các nhà khảo cổ Trung Quốc thấy rằng nó vẫn dễ dàng cắt đứt một chồng chừng hai chục tờ giấy dày.

Chuyện kể rằng, một nhà khảo cổ nảy ra ý định lạ lẫm đó là thử kiếm bằng ngón tay. Kết quả là ngón tay suýt đứt lìa sau một nhát cứa.

Trên một mặt của lưỡi kiếm, người ta thấy có 8 chữ được viết theo lối cổ. Sau hơn hai tháng, các chuyên gia đã giải mã được 8 chữ cổ khắc trên kiếm có nghĩa là “Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm” (kiếm tự làm để dùng),

Việt Vương Câu Tiễn (496 - 465 TCN), là vua một nước chư hầu cuối thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng với điển tích “nếm mật nằm gai” để báo thù, tiêu diệt nước Ngô.

Bảo kiếm “độc nhất vô nhị”

Cổ kiếm 2.000 năm sáng loáng giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô - 2

Ông Hứa Quang Quốc là người đầu tiên chế tạo thành công bản sao của kiếm Câu Tiễn.

Năm 2006, Viện bảo tàng quốc gia Trung Quốc cho sản xuất 1.000 thanh kiếm mô phỏng bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, giá mỗi thanh khi đó vào khoảng 19.800 Nhân dân tệ (3.100 USD ngày nay).

Theo All Interesting, nguyên nhân là bởi thanh kiếm thật từng bị mẻ một góc do sai sót trong khâu vận chuyển đến triển lãm ở Singapore năm 1994. Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, thanh kiếm thật bị cấm không được vận chuyển ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, vì nó được coi là một trong những bảo vật quý.

Nhưng quá trình chế tạo bản sao gần giống y đúc bản thật không hề dễ dàng chút nào. Ông Hứa Quang Quốc, chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật đồ đồng ở tỉnh Hồ Bắc đã phải mất 14 năm nghiên cứu và thu thập rất nhiều những mảnh vụn đồ đồng để chế tạo ra bản sao đầu tiên.

Ông tìm ra tỷ lệ chuẩn xác nhất giữa đồng và thiếc để tạo nên thanh kiếm giống bản thật nhất. Với hoa văn chạm khắc tinh xảo cũng là một thách thức lớn. Những đường nét như vậy hoàn toàn do bàn tay con người làm thủ công từ cách đây hơn 2.000 năm.

Ông Hứa Quang Quốc cũng thừa nhận việc bắt chước những hình thoi chìm giống như vảy da rắn trên thân kiếm cũng là vô cùng khó khăn.

Cổ kiếm 2.000 năm sáng loáng giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô - 3

Bảo kiếm hơn 2.000 năm vẫn sáng loáng.

Cuối cùng, bí quyết làm nên thanh kiếm sáng loáng, hàng ngàn năm không rỉ là bởi một lớp “vỏ bọc” đặc biệt tráng bên ngoài lưỡi kiếm, trong đó thành phần chủ yếu là crom.

Kiếm thật dài 55,7cm, rộng 4,6cm, nhưng bản sao đầu tiên dài tới 56,2cm và rộng 5,1cm. Ông Hứa Quang Quốc nói mình đã có chủ ý khi đúc khác đi như vậy, để thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn mãi là bảo kiếm “độc nhất vô nhị”.

Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn dùng để diệt Ngô

Trung Quốc cuối thời Xuân Thu (770 - 476 TCN) đánh dấu sự suy yếu của triều đình nhà Chu. Nhân cơ hội này, các chư hầu phong kiến nổi lên, bao gồm nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn nắm quyền.

Nước Việt ở Trung quốc thời Xuân Thu không phải là một thế lực lớn nhưng lại nổi tiếng bởi khả năng rèn kiếm thượng thừa bởi một thợ rèn tên Âu Dã Tử. Tương truyền rằng, Việt Vương Câu Tiễn đã dùng thanh kiếm do sư tổ bảo kiếm Âu Dã Tử đúc nên để đem quân đánh nước Ngô, buộc Ngô Vương là Phù Sai phải tự vẫn.

Cùng với việc cổ kiếm của Việt Vương Câu Tiễn được tìm thấy, các nhà sử học Trung Quốc đặt ra giả thuyết rằng chính Âu Dã Tử là người đúc nên thanh bảo kiếm huyền thoại còn tồn tại đến ngày nay.

Cổ kiếm 2.000 năm sáng loáng giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô - 4

Thanh kiếm được coi là báu vật quốc gia của Trung Quốc.

Đầu năm 483 TCN, Việt Vương Câu Tiễn âm thầm đem quân đánh úp nước ngô, khi Ngô Vương Phù sai họp chư hầu để tranh ngôi bá vương. Chiến dịch chinh phạt nước Ngô kéo dài suốt nhiều năm, tiêu hao nhiều binh lực của cải của hai bên.

Suốt 10 năm, Câu Tiễn năm lần bảy lượt đem quân đánh Ngô nhưng mãi đến năm 473 TCN mới thành công.

Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục nước Việt. Câu Tiễn định chấp nhận nhưng các quân sư can không nên. Vì vậy Phù Sai không còn đương nào khác ngoài việc phải tự sát.

Thắng lợi này khiến các nước chư hầu kinh sợ. Bản thân Câu Tiễn được Vua nhà Chu phong làm bá vương. Các chư hầu ai nấy đều vui mừng vì được Câu Tiễn trao trả cho đất đai nhà Ngô từng chiếm trước kia.

Năm 465 TCN, Việt Vương Câu Tiễn qua đời, tung tích thanh bảo kiếm cũng không được nhắc đến kể từ đó, cho đến khi các nhà khảo cổ khai quật năm 1965.

_________________

Ở Nhật Bản có thanh bảo kiếm với sức mạnh tuyệt hảo nhưng lại luôn khiến người sử dụng chúng trở nên đoản mệnh. Bài viết xuất bản kỳ tới sẽ hé lộ những bí ẩn về thanh bảo kiếm này.

Con người Tần Thủy Hoàng: Minh quân hay bạo chúa?

Nhiều hoàng đế trong lịch sử thế giới được người đời sau dành sự tôn trọng nhất định. Nhưng có một người luôn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN