Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á?

Xe buýt nhanh ở Jakarta ra đời từ năm 2004 và đang ngày càng cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á? - 1

Xe buýt nhanh và làn đường ưu tiên trên đường phố Jakarta

Hệ thống xe buýt nhanh (BTR) ở Hà Nội, tuyến Yên Nghĩa đến Kim Mã, sẽ bắt đầu chạy miễn phí một tháng từ 1/1/2017. Người dân Thủ đô đang rất quan tâm về cách thức hoạt động cũng như tiện tích của BTR mang lại.

Thực tế, BTR là hệ thống giao thông công cộng rất quen thuộc trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến hệ thống BTR được xây dựng đầu tiên ở Đông Nam Á, với nhiều ưu điểm thấy rõ và cả những nhược điểm đang dần được khắc phục. Đó chính là hệ thống xe buýt nhanh của thủ đô Jakarta, Indonesia với tên gọi TransJakarta.

Jakarta được nhiều người biết đến như một trong những thành phố có tình hình giao thông tồi tệ nhất thế giới. Do đó, TransJakarta ra đời tháng 1.2004 với mục đích cung cấp cho người dân thủ đô Indonesia một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, nhanh chóng, giảm tắc nghẽn giao thông giờ cao điểm.

Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á? - 2

Xe buýt của TransJakarta đón khách ở điểm chờ xe buýt

Không chỉ là BRT đầu tiên của Đông Nam Á, TransJakarta còn là tuyến xe buýt nhanh dài nhất thế giới với chiều dài 210.31 km, theo Jakarta Post. TransJakarta có 12 tuyến chính và hơn 200 điểm dừng. Giờ hoạt động là từ 5h đến 22h, một số tuyến sẽ hoạt động 24h/ngày. Tốc độ trung bình trong giờ cao điểm trong thành phố là 15-25 km/h (tốc độ khác nhau ở mỗi tuyến). Hiện TransJakarta đang có khoảng hơn 500 xe buýt hoạt động.

Hệ thống xe buýt nhanh TransJakarta đạt hiệu suất cao điểm với 114,7 triệu lượt khách trong năm 2011. Giá vé cũng khá rẻ, hiện nay một chuyến buýt có giá 3.500 rupiah (gần 6.000 đồng). Từ 5h-7h sáng, giá vé chỉ còn 2.000 rupiah (hơn 3.000 đồng).

Mỗi xe buýt có 30 chỗ ngồi và 55 chỗ đứng. Trong giờ cao điểm con số này thường vượt lên đến 80 hành khách/ xe. Mỗi xe cũng được trang bị bảng điện tử và loa để đọc tên địa điểm bằng hai ngôn ngữ, tiếng Indonesia và tiếng Anh. Bộ thu phát hai chiều trên xe cho phép lái xe cung cấp và tiếp nhận thông tin ùn tắc, tai nạn giao thông hoặc đồ thất lạc của hành khách.

Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á? - 3

Không chỉ là BRT đầu tiên của Đông Nam Á, TransJakarta còn là tuyến xe buýt nhanh dài nhất thế giới với chiều dài 210.31 km

TransJakarta nhằm cung cấp một hệ thống giao thông công cộng nhanh chóng, thoải mái và giá cả phải chăng cho người dân. Để thực hiện những mục tiêu này, ngoài những ưu điểm trên, xe buýt nhanh còn có làn đường riêng, được đánh dấu bởi dải phân cách bằng bê tông.

Tuy nhiên, từ khi mới đi vào hoạt động cho đến nay, TransJakarta nhận được nhiều phàn nàn của hành khách, nổi bật nhất là vấn đề về làn đường bị xâm lấn.

Theo báo Jakarta Post, làn đường dành riêng cho TransJakarta bị rất nhiều loại xe khác sử dụng. Tuy chỉ có xe buýt bình thường được phép đi vào, các xe tư nhân dường như không quan tâm đến quy định, nhất là khi cảnh sát giao thông không có mặt. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều hành khách, đặc biệt những người bận rộn, không thể dựa vào TransJakarta trong lịch trình hàng ngày của mình.

Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á? - 4

Có nhiều xe máy, ô tô cá nhân đi vào làn đường của xe buýt nhanh

Trước tình trạng này, chính quyền thành phố đã phải “mạnh tay” hơn trong việc kiểm soát xe tư nhân đi vào làn xe buýt. Thị trưởng thành phố, ông Ahok, yêu cầu cảnh sát giao thông “không bao giờ cho phép bất kì phương tiện không có thẩm quyền nào được đi vào làn của Transjakarta, cho dù đường có tắc nghẽn đến mức nào”.

Người vi phạm sẽ phải nộp cao nhất là 500.000 rupiah (khoảng 840.000 đồng). Bên cạnh xe buýt, làn đường này chỉ có thể được sử dụng bởi xe cứu hỏa và cứu thương trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, thủ đô Indonesia cũng áp dụng chính sách biển số chẵn-lẻ từ giữa năm nay. Quy định này yêu cầu xe tư nhân được phép luân phiên đi vào một số con đường trong thành phố từ 7-10 giờ sáng và 4-8 giờ chiều vào ngày thường. Cụ thể, các xe có biển số lẻ có thể sử dụng một số tuyến phố vào những ngày lẻ, và ngược lại.

Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á? - 5

Xe buýt nhanh đỗ tại Depok, phía nam Jakarta

Nhờ có hai biện pháp kết hợp, số hành khách sử dụng TransJakarta đã tăng 10%, từ 340,000 người/ngày trong tháng 6 lên 374,000 người/ngày vào tháng 8. Làn đường thông thoáng đã đảm bảo thời gian nhanh chóng, khuyến khích người dân sử dụng Transjakarta.

Bên cạnh các biện pháp chặt chẽ để quản lý làn đường cho xe buýt nhanh, chính quyền thành phố Jakarta còn đưa ra rất nhiều chương trình, chính sách mới nhằm tăng cường chất lượng và thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Ví dụ, giá vé hiện tại của TransJakarta đã được giảm gần một nửa. Bắt đầu từ đầu năm 2016, giá vé được giảm từ 6.000 xuống còn 3.500 rupiah. Thị trưởng thành phố đưa ra chính sách này với mong muốn cung cấp giao thông giá rẻ cho tất cả mọi người. Ông nói hồi tháng 1: “Tôi không muốn trợ cấp cho người dân để họ mua xe máy hay ô tô. Tôi muốn cung cấp cho họ một giá vé xe buýt rẻ hơn. Nếu đi từ Tangerang đến Jakarta chỉ tốn 3.500 rupiah, bạn sẽ chọn xe máy hay xe buýt? Chắc chắn xe buýt rồi”.

Ngoài ra, đến tháng 1.2017, TransJakarta cũng dự định ra mắt thẻ thay cho vé thường, sử dụng cho mọi tuyến. Còn vào tháng 4 tới, hệ thống cũng sẽ vận hành hơn 300 xe buýt rộng và sang trọng nhằm phục vụ thêm hành khách và cải thiện chất lượng dịch vụ. Theo Jakarta Post, tuy còn nhiều vấn đề, hệ thống buýt nhanh TransJakarta vẫn là mô hình giao thông công cộng đáng tin cậy nhất của thủ đô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN