Cô gái Indonesia vỡ mộng về cuộc sống tốt đẹp hơn khi lấy chồng TQ
Monika, 23 tuổi, được một người môi giới hứa đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn khi lấy một người đàn ông Trung Quốc, và thế là cô đồng ý.
Monika đã trở về Indonesia sau 10 tháng "sống trong địa ngục" ở Trung Quốc.
Theo tờ Bưu Điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Monika đến từ Pontianak ở Tây Kalimantan, nói cô không ngờ rằng quyết định này đã khiến 10 tháng sau đó cô sống trong sự khổ cực và hãi hùng.
Monika nhận được số tiền tương đương 1.200 USD khi lấy người đàn ông 28 tuổi ở Trung Quốc. Cô nói mình thường xuyên bị chồng đánh đập nếu không chịu quan hệ tình dục. Người mẹ chồng thì không ngừng hành hạ, làm nhục cô ở căn nhà của gia đình thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 122km.
Monika chỉ là một trong số 29 cô gái người Indonesia bị lừa lấy chồng Trung Quốc bởi những kẻ buôn người. Câu chuyện của họ chỉ là một phần nhỏ, trong số hàng ngàn cô gái ở các nước Nam Á và Đông Nam Á bị lừa sang Trung Quốc lấy chồng.
Monika nói cô chỉ học xong vài năm đầu tại trường trung học, không biết tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, chỉ biết tiếng Indonesia.
“Người môi giới nói tôi sẽ có cuộc sống tốt ở Trung Quốc, có tiền gửi về cho gia đình và được chồng chia tiền phụ cấp”, cô nói. “Tôi được hứa là có thể về nhà thăm cha mẹ vào bất cứ khi nào mình muốn”.
Sau lần gặp đầu tiên với người môi giới, cô đồng ý đi xa 150km, đến Singkawang để gặp những người đàn ông Trung Quốc. Tại đó, cô gặp hai người và chọn một người năm nay 28 tuổi để lấy làm chồng.
Bức ảnh hiếm hoi Monika chụp cùng chồng.
Cô nói cả hai quyết định đi đến hôn nhân sau 2 tiếng trò chuyện thông qua người phiên dịch.
Ngày hôm sau, cả hai đeo nhẫn, ký giấy tờ hôn nhân bằng tiếng Indonesia và Trung Quốc và chụp ảnh cưới. Một tuần sau đó, cô lên máy bay đến Trung Quốc.
Monika nghĩ dù đã làm đăng ký kết hôn, nhưng cô nghĩ nhà chồng sẽ vẫn làm đám cưới ở quê nhà. Nhưng một khi đến sống ở nhà chồng, cô nhận ra mình đã bị lừa.
Người chồng không làm ra số tiền tương đương 700 USD/tháng như quảng cáo. Anh ta kiếm được ít tiền hơn và là công nhân xây dựng.
Hàng ngày, Monika phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, giúp mẹ chồng làm hoa giấy đem bán. Mẹ chồng thường tìm cách để phạt cô, bằng cách cấm không cho truy cập internet, gọi điện về cho gia đình và bạn bè, theo SCMP.
Trong 10 tháng, Monika sống ở Trung Quốc với visa du lịch. Số tiền cô kiếm được bị mẹ chồng giữ lại hết. Một ngày mùa đông, cô bị buộc phải ngủ ngoài cửa vì đòi về nhà thăm cha mẹ.
“Mẹ chồng tôi là người đáng sợ. Tôi vẫn cảm thấy hãi hùng khi nhớ lại những gì xảy ra”, Monika nói. “Chỉ nhìn thấy bà ta từ xa là tôi đã phát sợ”.
Cảnh sát Pakistan mới đây đã bắt hàng loạt nghi phạm buôn người mang quốc tịch Trung Quốc.
Monika đào thoát bằng cách gọi taxi chở đến đồn cảnh sát địa phương. Cô tìm kiếm sự trợ giúp và được liên lạc với Đại sứ quán Indonesia ở Bắc Kinh. Từ đó, Monika mới được sắp xếp để trở về nhà.
Oky Wiratama, một luật sư người Indonesia nói, Monika “rõ ràng” là nạn nhân của bọn buôn người. “Những kẻ buôn người nhắm đến các cô gái ít học, hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Một khi đặt chân đến Trung Quốc, họ bị lợi dụng, ép phải làm việc cật lực mà không được cầm 1 xu”.
Hồi đầu tháng này, dựa trên thông tin mà Monika tiết lộ, cảnh sát Indonesia đã đột kích căn nhà ở Pontianak, nghi là nơi người môi giới ẩn náu.
Mạng lưới buôn người bị phanh phui sau đó, với 60 cô gái đang chuẩn bị được xuất ngoại. Tổng số tiền những người đàn ông Trung Quốc đưa cho nhóm buôn người này là 28.276 USD.
Hôm 22.6, Monika mới đặt chân về Jakarta, sau 10 tháng “sống trong sợ hãi”. Cô đã làm các thủ tục liên quan để ly dị chồng.
“May là tôi chưa có con với anh ta, nếu không thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn”, Monika nói. “Ở Trung Quốc tôi bị trầm cảm nặng. Tôi khóc từ sáng cho đến đêm. Giờ đây, tôi chỉ muốn đi làm kiếm tiền cho các em đi học. Lấy chồng đối với tôi bây giờ là điều xa vời nhất mà tôi nghĩ đến”.
Những xung đột về văn hóa đã khiến nhiều cô gái Tây lấy chồng Trung Quốc ngỡ ngàng.