Có biện pháp kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông

Nếu Trung Quốc có những động thái ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở biển Đông, họ có nguy cơ đối mặt với những hạn chế về kinh tế, các tàu quân sự và thăm dò khoa học khó quá cảnh khi tiếp cận trực tiếp vào Tây Thái Bình Dương.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz cùng các tàu Hải quân Ấn Độ diễn tập ở Ấn Độ Dương sau khi rời biển Đông hôm 20-7 Ảnh: Hải quân Mỹ

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz cùng các tàu Hải quân Ấn Độ diễn tập ở Ấn Độ Dương sau khi rời biển Đông hôm 20-7 Ảnh: Hải quân Mỹ

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông leo thang thành cuộc "khẩu chiến" trên mạng xã hội trong những ngày qua là điều mà các nhà phân tích nhận định là sự thay đổi về chiến lược của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường đang ngày một nóng lên ở Đông Nam Á.

Sau khi Washington hồi tuần trước củng cố quan điểm của mình bằng cách bác bỏ hầu hết các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, các đại sứ quán Mỹ trong khu vực đã có một loạt bài viết và tuyên bố trên mạng xã hội nhằm chỉ trích các hành động của Bắc Kinh.

Ông Sebastian Strangio, tác giả của cuốn sách về ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực sắp được ra mắt, nhận định các tuyên bố của Mỹ nhằm liên kết vấn đề biển Đông cùng mối quan ngại chung của khu vực để mô tả Bắc Kinh là một mối đe dọa rõ ràng đối với chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc "khẩu chiến" trên mạng xã hội đánh dấu một chiến lược mới đột phá trong ngoại giao của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Diễn biến căng thẳng đã trở nên rõ ràng hơn ở biển Đông gần đây khi hải quân Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận đồng thời trên một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. 

Các cuộc diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ theo sau tuyên bố bác bỏ gần như mọi yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông từ Bộ Ngoại giao Mỹ được xem là một khởi đầu tốt nhằm ngăn Trung Quốc bành trướng ở biển Đông. Tuy nhiên, theo Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác trong cộng đồng quốc tế cần nỗ lực chung áp đặt các hạn chế cứng rắn nhằm ngăn Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Cụ thể, nếu Trung Quốc có những động thái ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở biển Đông, họ có nguy cơ đối mặt với những hạn chế về kinh tế, các tàu quân sự và thăm dò khoa học gặp khó khi quá cảnh lúc tiếp cận trực tiếp vào Tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh cần được cảnh báo về khả năng này nếu họ cố khẳng định sự kiểm soát chủ quyền phi lý ở biển Đông thông qua vũ lực.

Trong cuộc tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc về luật an ninh quốc gia mới áp đặt lên Hồng Kông, Anh hôm 20-7 tuyên bố chấm dứt hiệp ước dẫn độ "ngay lập tức và vô thời hạn", đồng thời mở rộng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với chính quyền đặc khu này. Bắc Kinh hôm 21-7 tuyên bố sẽ có phản ứng quyết liệt đối với hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cảnh báo London sẽ "gánh chịu mọi hậu quả nếu vẫn đi sai đường". 

Hải quân Ấn Độ hôm 20-7 đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự với nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở quần đảo Andaman và Nicobar tại Ấn Độ Dương. Đội tàu Mỹ do tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu và các tàu Ấn Độ đã thực hiện các cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng tương tác trên biển giữa hải quân hai nước. Tờ The Times of India (Ấn Độ) nhận định cuộc tập trận này được xem là một cảnh báo dành cho Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang sau các cuộc đụng độ ở biên giới hai nước.

Hải quân Ấn Độ cho biết cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập tương tự với Hải quân Nhật Bản và Pháp gần đây. Ấn Độ cũng dự kiến mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar cùng Nhật Bản và Mỹ cuối năm nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Mỹ thay đổi lập trường về biển Đông?

Theo một số chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ mới đây từ bỏ chính sách tiêu chuẩn của mình về biển Đông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN