CNN: Pháp tin chỉ Trung Quốc mới có thể làm trung gian hoá giải xung đột Ukraine
Trung Quốc - vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Nga - có thể là quốc gia duy nhất có khả năng làm trung gian cho một thỏa thuận ở Ukraine, một nguồn tin từ văn phòng tổng thống Pháp nói với CNN. Bình luận được đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Bắc Kinh vào tuần tới.
“Rõ ràng Trung Quốc là một trong số ít quốc gia - có thể là quốc gia duy nhất trên thế giới - có khả năng tác động mạnh mẽ đến cuộc xung đột, đối với cả hai bên”, nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin này, chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông Macron sẽ là cơ hội quan trọng để Pháp và Trung Quốc tái kết nối ở cấp cao nhất sau ba năm Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19.
Ông Macron sẽ đến Bắc Kinh vào thứ Tư (5/4), muộn hơn một ngày so với thông báo trước đó, đồng thời sẽ thăm thành phố Quảng Châu trước khi rời Trung Quốc vào ngày 8/4.
Với các cuộc gặp đã được lên lịch với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường, Tổng thống Macron đặt mục tiêu “tìm một không gian để chúng tôi có thể thử các sáng kiến hữu ích cho người dân Ukraine, sau đó tìm cách xác định các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột này trong trung hạn”, nguồn tin cho biết.
Ông Macron cũng được kỳ vọng sẽ đề cập đến sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đi cùng ông trong chuyến thăm.
Bà Von der Leyen sẽ đến Paris vào thứ Hai để gặp ông Macron và chuẩn bị cho chuyến thăm, theo nguồn tin của Điện Élysée.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã xây dựng hình ảnh như một “trọng tài hoà bình tiềm năng” sau khi đưa ra “Lập trường 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” vào tháng 2. Mặc dù được truyền thông phương Tây mô tả là một “kế hoạch hòa bình”, nhưng tài liệu này không đưa ra hướng dẫn từng bước để chấm dứt xung đột mà thay vào đó, liệt kê các nguyên tắc mà Bắc Kinh khuyến nghị bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai nên tuân thủ.
Trong đó, Bắc Kinh kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Kế hoạch của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của Nga, và thậm chí của cả một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hungary. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ thì ngược lại. Còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông chỉ đồng ý với một số điểm trong tài liệu.
Trong một động thái cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến "đánh giá lại và giảm rủi ro" khi đề cập tới mối quan hệ giữa hai bên.
Nguồn: [Link nguồn]