CNN: Mỹ đối mặt thế khó sau khi phiến quân bất ngờ đạt bước tiến lớn ở Syria
Cuộc tấn công bất ngờ của các nhóm phiến quân ở phía tây bắc Syria hiện đang đẩy Mỹ vào thế khó xử. Trong khi phải duy trì sự hiện diện quân sự để đối phó khủng bố IS và bảo vệ lực lượng nổi dậy người Kurd, Washington chưa tính tới việc can thiệp vào tình hình hiện tại.
Tấm poster in hình Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị hư hại sau khi phiến quân tiến vào Aleppo. Ảnh: Mahmoud Hassano/Reuters.
Tình hình phức tạp
Cuộc tiến công bất ngờ của các nhóm phiến quân, dẫn đầu bởi tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã gây chân động. Chỉ sau vài ngày, phiến quân kiểm soát Aleppo – thành phố lớn thứ hai ở Syria và là thủ phủ tỉnh cùng tên.
Trước diễn biến này, Lầu Năm Góc nhanh chóng lên tiếng khẳng định Mỹ không liên quan đến bất kỳ hoạt động nào tại khu vực này.
Thiếu tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói: “Mỹ không tham gia vào các hoạt động đang diễn ra tại Aleppo hay khu vực tây bắc Syria. Đây là những hoạt động do HTS dẫn đầu – tổ chức bị Mỹ coi là khủng bố”.
Tuy nhiên, Mỹ cũng khẳng định quan điểm không can thiệp. Ông Ryder chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm căng thẳng trong khu vực.
Trong một tuyên bố khác, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan khẳng định HTS là mối lo ngại lớn đối với Washington: “Đối với Mỹ, HTS là một tổ chức khủng bố. Chúng tôi thực sự lo ngại về mục tiêu và toan tính của tổ chức này".
Dù vậy, ông Sullivan cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad: “Chúng tôi vẫn sẽ không hòa giải với chính quyền Tổng thống Syria Assad dù họ đang phải đối mặt với áp lực. Đây là một tình huống phức tạp mà chúng tôi theo dõi sát sao và duy trì liên lạc chặt chẽ với các đối tác trong khu vực”.
HTS được lập ra bởi Abu Mohammad al-Julani, người từng lãnh đạo Jabhat al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Syria. Dù HTS đã cố gắng tách khỏi al-Qaeda, Mỹ vẫn coi đây là một tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định Washington sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Phát ngôn viên Matthew Miller nói: “Nếu chính quyền Assad không thay đổi lập trường (tìm kiếm sự hòa giải với phe nổi dậy), các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ được Mỹ duy trì. Mỹ mong muốn một sự chuyển đổi dân chủ theo nguyện vọng của người dân Syria”.
Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt áp dụng từ năm 2011 là cần thiết để đáp trả hành động bạo lực của chính quyền Assad đối với dân thường.
Thế khó của Mỹ
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, khoảng 900 binh sĩ Mỹ vẫn đang triển khai tại Syria để thực hiện nhiệm vụ chống IS. Dù các hoạt động tại Aleppo nằm xa khu vực hoạt động chính của Mỹ, nhưng tình trạng bất ổn đã buộc Washington phải tăng cường liên lạc với Nga, đồng minh chính của chính quyền Assad.
Nga đã phản ứng trước cuộc tấn công bằng các đợt không kích dữ dội nhằm vào lực lượng đối lập ở Aleppo và Idlib. Thiếu tướng Ryder tiết lộ Mỹ đang sử dụng đường dây nóng với Nga để tránh những hiểu lầm nguy hiểm:
“Chúng tôi duy trì kênh liên lạc với Nga để đảm bảo không xảy ra sai sót trong bối cảnh các lực lượng hoạt động gần nhau về mặt địa lý”.
Trong 24 giờ qua, một vụ tấn công bằng tên lửa đã xảy ra nhằm vào một cơ sở của Mỹ tại Syria. Dù không gây thương vong hay thiệt hại, vụ việc này tiếp tục là minh chứng cho tình hình căng thẳng kéo dài tại khu vực.
Một vấn đề khác khiến Mỹ “đau đầu” là việc phiến quân ở tây bắc Syria, bao gồm các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bắt đầu tấn công các khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở vùng đông bắc. Người Kurd cũng là một thế lực nổi dậy ở Syria và được Mỹ bảo trợ. Trong quá khứ, mỗi khi quân đội Syria tìm cách đẩy lùi người Kurd, Mỹ đều huy động chiến đấu cơ can thiệp.
Hôm 1/12, các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tấn công các cứ điểm của người Kurd ở phía bắc Aleppo, kiểm soát thị trấn Tal Rifaat. Ước tính khoảng 200.000 người Kurd sống ở khu vực bị phiến quân bao vây. Nhóm HTS cũng đã gửi tối hậu thư, yêu cầu người Kurd rời khỏi tất cả các khu vực ở tỉnh Aleppo và di tản xa hơn về phía đông.
Mỹ hiện chưa lên tiếng về các diễn biến này. Sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ với phiến quân là nguyên nhân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn không thể tiến xa hơn về phía tây bắc.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước tình hình ở Syria, các nước Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại.