CNN: Động thái bất ngờ của Tổng thống Pháp Macron với ông Trump
Mặc dù ông Donald Trump chưa chính thức nhậm chức nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên mời ông tới thăm trong một sự kiện quan trọng.
Ông Trump trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Brussels, Bỉ vào năm 2017. Ảnh: AFP.
Hôm 7/12, ông Trump sẽ tham dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau 5 năm sửa chữa. Đây cũng sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước.
Động thái bất ngờ của ông Macron
Theo CNN, việc ông Macron đưa ông Trump vào trung tâm của sự kiện VIP quy tụ nhiều người nổi tiếng, sẽ đánh dấu sự trở lại hoành tráng của Tổng thống Mỹ đắc cử trên trường quốc tế và khẳng định ảnh hưởng của Trump, 6 tuần trước khi ông bắt đầu nhiệm kỳ hai.
Trên thực tế, ông Trump không chờ đến khi nhậm chức mới hé lộ các chính sách ngoại giao mới. Trump đã cảnh báo phát động chiến tranh thương mại với Canada và Mexico, khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau gấp rút tới Florida gặp ông vào tuần trước.
Sự xuất hiện của ông Trump ở Paris cũng phản ánh sự tương phản sâu sắc với Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden. Hôm 2/12, ông Biden đối mặt với những chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau khi ký sắc lệnh ân xá con trai Hunter. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden từng khẳng định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Chuyến đi tới “Kinh đô ánh sáng” của ông Trump sắp tới sẽ nhấn mạnh rằng một lần nữa rằng ông là người mà các nhà lãnh đạo quốc tế mong muốn gặp mặt trong khi ông Biden ngày càng mờ nhạt.
Ông Trump hé lộ lời mời của ông Macron vào ngày 2/12. “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm một công việc tuyệt vời khi đảm bảo Nhà thờ Đức Bà được khôi phục lại vẻ đẹp hoàn hảo, thậm chí còn hơn thế nữa. Đây sẽ là một ngày rất đặc biệt đối với tất cả mọi người", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth.
Chuyến đi hứa hẹn tất cả những gì mà Tổng thống Mỹ đắc cử trân trọng nhất. Một cơ hội để thu hút sự chú ý, sự tôn vinh khi là một vị khách danh dự, và sự phô trương khi thu hút sự chú ý của hàng triệu con mắt trên toàn cầu.
Đây cũng là chiến lược quen thuộc của ông Macron dù không phải lúc nào cũng thành công. Đầu năm nay, ông Macron cũng từng gây bất ngờ khi giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.
Lời mời ông Trump của ông Macron là động thái mới nhất trong cuộc đấu tranh không hồi kết giữa các cường quốc châu Âu để thu hút sự chú ý của Washington. Ông Macron từ lâu đã định hình nước Pháp là cường quốc thống trị châu Âu, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nghỉ hưu.
Mối quan hệ thân thiết không kéo dài lâu?
Gia đình ông Macron dùng bữa với gia đình ông Trump tại một nhà hàng sang trọng ở tháp Eiffel vào ngày 13/7/2017. Ảnh: AFP.
Lời mời đầy táo bạo của ông Macron có thể sẽ khởi đầu mối quan hệ mới với ông Trump bằng những lời khen ngợi lẫn nhau. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử, mối quan hệ này khó mà bền lâu, CNN nhận định.
Trong những lần tiếp xúc đầu tiên, ông Macron và ông Trump dùng bữa tối tại nhà hàng Jules Verne danh tiếng ở tháp Eiffel, thì thầm với nhau trong lễ diễu binh Ngày Quốc khánh Pháp, rồi sau đó hôn má, nắm tay tại Nhà Trắng. Tháng 4/2018, tại Phòng Bầu dục, ông Trump từng nói: "Chúng ta phải khiến ông ấy hoàn hảo hơn nữa, bởi ông ấy đã hoàn hảo rồi”, khi phủi cái mà ông cho là gàu trên vai Tổng thống Pháp. Ông Trump còn nói với người dân Pháp: “Emmanuel sẽ là một trong những tổng thống vĩ đại của các bạn”.
Thế nhưng mối quan hệ thân thiết này không kéo dài do lập trường của ông Trump khác biệt của ông với châu Âu. Đỉnh điểm là chuyến thăm Pháp cuối năm 2018, ông Trump phản ứng gay gắt trước đề xuất xây dựng một đội quân châu Âu của ông Macron.
Ông Trump đã phản đối ý tưởng này khi nhận thấy Pháp muốn có vai trò lãnh đạo lớn hơn ở châu Âu. Ông Trump còn chế giễu tỷ lệ ủng hộ thấp của Macron ở Pháp, khi đó chỉ 26%.
Dù ông Trump dường như sẵn sàng nối lại mối quan hệ với ông Macron thì Tổng thống Pháp không phải nhà lãnh đạo châu Âu phù hợp nhất với tính cách của ông Trump, CNN nhận định.
Người phù hợp hơn cả là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một vị khách quen thuộc tại dinh thự Mar-a-Lago. Ông Orban được ông Trump đánh giá cao nhờ quan điểm tương đồng.
“Một số người không thích ông Orban vì ông ấy quá mạnh mẽ”, ông Trump nói trong một buổi vận động tại New Hampshire hồi tháng 1. “Nhưng điều đó tốt, đất nước cần một người mạnh mẽ lãnh đạo”.
Dẫu vậy, cả ông Macron lẫn ông Trump đều đặt nặng tầm quan trọng vào mối quan hệ giữa các lãnh đạo quốc gia và có lẽ họ có thể hâm nóng lại mối quan hệ tại nơi mọi chuyện bắt đầu.
Ông Trump sẽ đến Paris không lâu sau khi chọn Charles Kushner, bố chồng Ivanka Trump, làm đại sứ Mỹ tại Pháp. Đề cử nhân sự này có thể là tin tốt với Pháp bởi suy cho cùng, ông Charles Kushner cũng là người có quan hệ thông gia với ông Trump và có tiếng nói quan trọng.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ đến Pháp để dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris vào cuối tuần này.
Nguồn: [Link nguồn]