CIA Mỹ đổ 20 triệu USD biến mèo thành "điệp viên" để tung vào Liên Xô ra sao?

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Với mục đích do thám các thông tin mật từ Liên Xô, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chi hàng chục triệu USD để tạo ra một con mèo lạ chưa từng thấy.

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan chức tình báo Mỹ đã ấp ủ kế hoạch theo dõi người Liên Xô ở thủ đô Washington, D.C bằng cách sử dụng mèo. Ảnh minh họa

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan chức tình báo Mỹ đã ấp ủ kế hoạch theo dõi người Liên Xô ở thủ đô Washington, D.C bằng cách sử dụng mèo. Ảnh minh họa

Huấn luyện động vật để giao cho chúng nhiệm vụ nghe lén, chụp ảnh do thám hay đánh chìm tàu địch là một số dự án thử nghiệm từng được đánh giá cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vì sao các dự án này được đánh giá cao? Chúng được phát triển như thế nào? Mời độc giả cùng đón đọc trong loạt bài này.

Theo The Atlantic, vào thập niên 60 của thế kỷ 20 (đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh), các quan chức tình báo Mỹ đã ấp ủ kế hoạch theo dõi người Liên Xô ở thủ đô Washington, D.C. nhằm nghe lén các thông tin mật.  

Tuy nhiên, các thiết bị nghe lén khi đó vẫn chưa đủ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ gián điệp. 

"Vấn đề nằm ở chỗ thiết bị nghe lén thu mọi tiếng động", Vince Houghton, một học giả dạy các khóa học về lịch sử Chiến tranh Lạnh và lịch sử tình báo tại Đại học Maryland (Mỹ), viết trong một cuốn sách. "Điều đó có nghĩa là nó sẽ thu về cả những tạp âm có trong cuộc nói chuyện như tiếng chim hót, tiếng xe cộ qua lại... Bản ghi âm lúc đó không còn giá trị".

CIA sau đó nảy ra ý tưởng về "mèo điệp viên" và chi khoảng 20 triệu USD để phát triển dự án "Acoustic Kitty" (tạm dịch: Mèo nghe lén) trong 5 năm.

Lý do loài mèo lọt vào "mắt xanh" của CIA là vì chúng có thể đi tới bất cứ đâu: nhảy qua hàng rào, chui vào khe cửa... và quan trọng là chúng không bị lính canh chặn lại. CIA còn cho rằng không ai nghi ngờ một con mèo lảng vảng ở địa điểm họp vì loài này là thú cưng với nhiều người. 

Ở thời đại trước khi có vi mạch và thiết bị kỹ thuật số, các nhà khoa học của CIA phải tìm cách để gắn micro, ăng ten, máy phát audio và pin vào bên trong cơ thể con mèo.

"Họ mổ bụng con mèo rồi nhét pin vào bên trong. Họ đã tạo ra một sinh vật quái dị", Victor Marchetti, một cựu nhân viên CIA, chia sẻ. 

Các vị trí gắn thiết bị trên "mèo điệp viên". Ảnh minh họa

Các vị trí gắn thiết bị trên "mèo điệp viên". Ảnh minh họa

Xét cho cùng, tạo ra một con mèo công nghệ cao không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong thời đại máy tính có kích thước bằng cả căn phòng. Con mèo đó phải mang cả đống thiết bị trên người, phải còn sống mà vẫn phải trông giống mèo, không có bất kỳ vết sẹo hay chỗ lồi lõm nào, theo tạp chí Smithsonian. 

"Phối hợp với một số nhà thầu thiết bị âm thanh, CIA chế tạo một máy phát audio dài gần 2cm để cấy vào đáy hộp sọ của con mèo. Micro được đặt trong ống tai. Ăng ten được gắn dọc sống lưng, dưới lớp lông dày để dễ che giấu. Các kỹ thuật viên gặp chút rắc rối về pin vì kích thước của con mèo có giới hạn nên họ chỉ sử dụng được loại pin nhỏ nhất. Điều này hạn chế thời gian ghi âm", Matt Soniak, cây viết của trang Mental Floss cho hay. 

Sau cuộc phẫu thuật, thành công bước đầu đã đến khi con mèo còn sống và máy ghi âm hoạt động tốt. Nhóm nhà khoa học của CIA dành nhiều tháng để huấn luyện con mèo với các chỉ dẫn đơn giản. 

Thời điểm đó, cựu nhân viên CIA Marchetti cho biết, quá trình huấn luyện đầy hứa hẹn nhờ một bước đột phá trong kích thích não. Các nhà khoa học đã huấn luyện con mèo đến các địa điểm cụ thể và ngồi ở đó trước khi di chuyển ra vị trí khác. 

Theo Marchetti, con mèo thường đi lang thang khi nó đói nên các nhà khoa học đã cấy một sợi dây khác trên thân mèo để kiểm soát cảm giác thèm ăn của nó. 

CIA rất tự tin với "mèo điệp viên" mà họ tạo ra. Ảnh minh họa: How stuff works

CIA rất tự tin với "mèo điệp viên" mà họ tạo ra. Ảnh minh họa: How stuff works

Sau khi đào tạo thành công, CIA tự tin vào khả năng hoạt động của "mèo điệp viên" và quyết định thử nghiệm ngoài thực địa. Nhưng các quan chức của CIA đã bị dội gáo nước lạnh khi chứng kiến kết cục của "điệp viên" mà họ kỳ công đào tạo.

Các nhân viên CIA dùng xe tải chở con mèo "điệp viên" tới một công viên. Sau đó, họ mở cửa để con mèo làm "nhiệm vụ": Di chuyển tới gần một chiếc ghế và nghe lén cuộc trò chuyện của 2 người đàn ông. 

"Họ thả con mèo để nó chạy ra khỏi xe. Một chiếc taxi từ xa lao đến và đâm chết con mèo trước khi nó kịp hoàn thành nhiệm vụ", cựu nhân viên CIA Marchetti nói. 

Không chỉ con mèo bị cán chết mà ngay cả dự án "mèo điệp viên" Acoustic Kitty cũng bị "khai tử". Ban đầu, CIA nói rằng dự án là một thành tựu khoa học đáng chú ý và ca ngợi các nhà khoa học vì "công việc tiên phong" của họ. Nhưng cuối cùng, khi dự án bị hủy, CIA kết luận rằng, vì "các yếu tố môi trường và an ninh khi sử dụng ở nước ngoài, mèo điệp viên không mang lại hiệu quả". 

----------------------------

Giữa thập niên 60 của thế kỷ 20, người Mỹ rất ấn tượng với một loài sinh vật biển. Thậm chí, CIA khi đó còn thử nghiệm đào tạo loài này tham gia hoạt động quân sự. Quá trình huấn luyện cũng như những vấn đề mà CIA gặp phải khi huấn luyện loài hoang dã này được nêu chi tiết ở bài kỳ tới, đăng trên mục Thế giới lúc 19h ngày 25/2. Mời độc giả đón đọc!  

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Tình báo Mỹ huấn luyện cá heo nhằm đánh chìm tàu đối thủ ra sao?

Những con cá heo được huấn luyện để âm thầm xâm nhập vào các vịnh và bến cảng của đối phương, gắn các thiết bị nổ vào thân tàu rồi quay trở lại một chiếc thuyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Các thí nghiệm biến động vật thành điệp viên của CIA Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN