Chuyện về phi công bị rơi máy bay, sống sót suốt 38 ngày trong rừng Amazon

Phi công Brazil Antonio Sena trải qua 38 ngày sinh tồn trong rừng rậm Amazon sau khi chiếc máy bay anh ta điều khiển gặp trục trặc động cơ, phải hạ cánh khẩn cấp.

Phi công Brazil vui mừng sau khi thoát khỏi rừng Amazon.

Phi công Brazil vui mừng sau khi thoát khỏi rừng Amazon.

Mọi chuyện bắt đầu khi Antonio Sena đang điều khiển chiếc máy bay một động cơ, bay sâu vào rừng rậm Amazon ở độ cao 900 mét. Động cơ duy nhất của máy bay đột nhiên ngừng hoạt động, theo New York Times.

Phi công Brazil hít một hơi thật sâu, tìm nơi lý tưởng để hạ cánh. Sena chỉ có 5 phút xử lý, trong khi máy bay đang mang theo 600 lít dầu diesel dễ cháy.

Số nhiên liệu này được chở đến giao cho những kẻ khai thác vàng trái phép trong rừng. Người ta đã dọn sẵn bãi đáp cho máy bay chờ Sena, không biết rằng phi công Brazil không thể đến được điểm hẹn.

Sena thông báo rằng máy bay đang rơi qua radio, với hi vọng có bất cứ ai có thể nghe thấy. Khi nhìn thấy rừng cọ, Sena biết đây là nơi mình sẽ hạ cánh.

“Là ở đó”, Sena nhớ lại. “Có rừng cọ có nghĩa là có nước, thậm chí là có thể có một con sông ở đó”.

Trong 9 năm làm phi công, Sena đã nghe kể vô số những câu chuyện về máy bay rơi. Điều mà phi công Brazil biết khi máy bay đâm xuống đất, đó là anh ta vẫn còn sống.

Sena chộp lấy bất cứ thứ gì hữu ích, từ ba lô, mấy chai nước, túi bánh mì, dây thừng, hộp sơ cứu, đèn bão, đến hai chiếc bật lửa và lao nhanh ra ngoài. Không lâu sau đó, máy bay phát nổ.

Sena nhóm lửa ở lại đêm đầu tiên sau vụ rơi máy bay.

Sena nhóm lửa ở lại đêm đầu tiên sau vụ rơi máy bay.

Sena bình tĩnh đợi tại điểm rơi để chờ người đến cứu. Đúng là có phi công lái máy bay lượn phòng quanh khu vực trong nhiều ngày, nhưng Sena không làm cách nào để họ nhìn thấy được mình.

“Họ bay ngay ở trên, nhưng không thấy tôi”, Sena nói. Phi công Brazil cố gắng vẫy tay, ra hiệu mỗi khi nghe thấy có tiếng động cơ máy bay, nhưng không thành công.

Từ bỏ hi vọng về việc được giải cứu ở nơi máy bay rơi, Sena bắt đầu hành trình dài 27km qua rừng nhiệt đới, đối mặt với những mối nguy hiểm như báo đốm, trăn anaconda và côn trùng có độc.

Sena dùng lượng pin còn lại trên điện thoại di động để định vị vị trí của mình bằng GPS. Anh ta quyết định đi về hướng con sông Paru, nơi gần nhất có người sinh sống.

Suốt nhiều ngày, Sena chỉ đi bộ vào ban ngày, sử dụng vị trí của Mặt trời để nắm được hướng đi. Đến chiêu, Sena hạ trại nghỉ ngơi, sử dụng những cây cọ làm nơi tránh mưa.

Sena biết thú săn mồi hay xuất hiện ở nơi có nước, nên anh ta thường ngủ tại các điểm cao và khô ráo. Nhưng nhiều lần Sena bị những con khỉ nhện lông mượt quấy phá. “Chúng rất biết cách bảo vệ lãnh thổ. Tôi không muốn đi lạc vào lãnh thổ của chúng một lần nào nữa”, Sena nói.

Phi công Brazil may mắn được nhóm người đi gom hạt cứu sống.

Phi công Brazil may mắn được nhóm người đi gom hạt cứu sống.

Nhưng cũng chính những con khỉ chỉ cho phi công Brazil biết những quả nào con người có thể ăn được. “Tôi nhìn chúng ăn trái cây mầu hồng nên làm theo”, Sena kể lại. Phi công Brazil cũng tìm được ba quả trứng chim tinamou màu xanh lam quý giá.

Trong những ngày bị lạc trong rừng, Sena đi bộ được khoảng 28km và bị sút 25kg. Đến ngày thứ 35, lần đầu tiên anh ta nghe âm thanh của một thứ gì đó xa lạ trong khu rừng. Đó là tiếng một chiếc cưa máy. Sena đi theo tiếng động nhưng đến tối thì buộc phải dừng chân vì sợ đi lạc.

“Xin Chúa, hãy khiến họ tiếp tục dùng cưa máy vào hôm sau”, Sena nói trước khi chìm vào giấc ngủ. Đến sáng hôm sau, Sena tiếp tục đi theo hướng nghe thấy tiếng động. Chiều hôm đó, ngày 6.3.2021, Sena gặp những người thu gom hạt.

Cả nhóm do Maria Jorge dos Santos Tavares, 67 tuổi, dẫn đầu. Cô Santos Tavaras đã không vào rừng thu gom hạt trong 3 năm qua.

Nhưng do người chồng qua đời vì Covid-19, sức ép nợ nần khiến Santos Tavares lại vào rừng. Sena được nhóm người cho ăn, cho chỗ ngủ để lấy sức.

Santos Tavares dùng radio liên lạc về cho Mirian, cô con gái sống ở thị trấn. Mirian tìm cách liên lạc cho mẹ của Sena.

“Ban đầu, bà ấy không tin rằng con trai mình còn sống. Nhưng tôi đã thuyết phục được”, Mirian nói. “Chúng tôi mất người thân trong gia đình, nhưng bà đã tìm được người thân, hãy trân trọng điều đó”.

Sau khi đưa Sena lên trực thăng cảnh sát, Santos Tavares quay trở lại rừng, tiếp tục công việc thu gom hạt.

Kể về hành trình sống sót của mình, Sena nói mình sẽ không làm những công việc tàn phá rừng nữa. 

“Nếu không có rừng, có nước, có nơi trú ẩn, tôi đã không thể sống sót”, Sena kể lại, theo New York Times. “Tôi sẽ không bao giờ lái máy bay chở hàng cho những kẻ khai thác vàng bất hợp pháp nữa".

Nguồn: [Link nguồn]

Indonesia: Mất tích trong thảm họa sóng thần 2004, được tìm thấy sống sót sau 17 năm

Một sỹ quan cảnh sát Indonesia biến mất trong thảm họa sóng thần năm 2004 và được tin là đã chết, gần đây đã khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN