Chuyến thăm "khoét sâu" rạn nứt Nga - phương Tây
Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan hôm 11-10 có chuyến thăm đáng chú ý đến Nga không lâu sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu.
Hãng thông tấn WAM (UAE) đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp UAE thảo luận về mối quan hệ hữu nghị song phương, cũng như một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Vào tuần rồi, OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 11 nhằm thúc đẩy giá dầu bất chấp lời kêu gọi tăng cường khai thác từ Mỹ để hỗ trợ kinh tế toàn cầu. Điện Kremlin hôm 9-10 đã hoan nghênh quyết định của OPEC+.
Dù vậy, động thái của OPEC+ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Washington và một số đồng minh vùng Vịnh truyền thống.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan tại cuộc gặp ở TP Saint Petersburg hôm 11-10 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNBC, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden thất vọng trước quyết định "thiển cận" của OPEC+ trong lúc kinh tế toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực kéo dài từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Đi xa hơn, ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden "đóng băng lập tức" mối quan hệ hợp tác với Ả Rập Saudi.
Theo đài RT (Nga), hai nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal và Ro Khanna cáo buộc Ả Rập Saudi "thông đồng" với Nga nhằm tăng doanh thu năng lượng của Moscow. Hai nghị sĩ này cũng kêu gọi Washington ngưng bán vũ khí để trừng phạt Riyadh.
Ông Asif Shuja, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ), nói với đài CNBC rằng chuyến công du của Tổng thống UAE có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây vốn bùng phát sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Trong khi đó, ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn năng lượng Facts Global Energy (Anh), nhận định UAE và Ả Rập Saudi, hai thành viên hàng đầu OPEC, đã có một số động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Nga vài tháng qua: Duy trì các thỏa thuận của OPEC+; phản ứng không đáng kể trước yêu cầu của Mỹ và châu Âu về việc tăng sản lượng hồi tháng 8; tái xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga tại TP Fujairah - UAE, từ đó giảm nhẹ tác động của đòn trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) lên Moscow.
Mỹ ngày càng ít lựa chọn để đối phó với động thái giảm sản lượng của OPEC cũng như đấu với khối này về giá dầu.
Nguồn: [Link nguồn]