Chuyện lạ có thật ở Indonesia: Từ khủng bố, người đàn ông trở thành tiến sĩ
Bước ngoặt lớn đã đến với Ali Fauzi – cựu thành viên băng khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) khét tiếng ở Indonesia.
Hiện trường vụ đánh bom khiến hơn 200 người thiệt mạng ở Bali năm 2002 (ảnh : SCMP)
Năm 2002, JI tổ chức vụ đánh bom ở đảo Bali (Indonesia) khiến hơn 200 người thiệt mạng. Ali Fauzi có nhiệm vụ chế tạo bom cho nhóm này, SCMP hôm 11/3 đưa tin.
Ali Fauzi là con út trong gia đình có 4 anh em. Tất cả đều là thành viên của JI. Hai người anh của Fauzi là Amrozi và Ali Ghufron đã bị tử hình vì là chủ mưu vụ đánh bom. Ali Imron – anh thứ 3 của Fauzi – đang thụ án tù chung thân ở Jakata.
Fauzi chỉ bị phạt tù 3 năm vì không trực tiếp thực hiện hành vi đánh bom. Trong tù, Fauzi tham gia khóa học nhằm phi cực đoan các phần tử khủng bố do cảnh sát tổ chức. Suy nghĩ của Fauzi thay đổi từ đây.
Ngày 21/2, Fauzi vinh dự bước lên sân khấu Đại học Muhammadiyah Malang (Indonesia) để nhận bằng tiến sĩ về giáo dục Hồi giáo. Đây là khoảnh khắc mà nhiều người, bao gồm cả Fauzi từng cho rằng không bao giờ xảy ra.
“Học hành còn khó hơn cả chế tạo bom. Tôi phải xem đi xem lại luận án của mình rất nhiều lần. Đôi khi tôi đã muốn từ bỏ hoàn toàn”, Fauzi kể lại quá trình học tập.
Ali Fauzi – cựu thành viên băng khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) (ảnh : SCMP)
Fauzi cho biết, có 2 yếu tố đã thay đổi cuộc đời mình. Đầu tiên là việc tham gia khóa học phi cực đoan hóa trong tù. Thứ hai là tự suy xét về hành động và cảm xúc tiêu cực của bản thân.
“Tôi nhìn vào lương tâm và dằn vặt về những điều mình và các anh em đã làm. Tôi từng nghĩ rằng bắn cảnh sát và đánh bom là điều đúng đắn. Tôi phải suy xét lại tất cả”, Fauzi chia sẻ.
“Trường hợp của Fauzi rất đặc biệt. Anh ấy được dư luận chú ý và nhận được nhiều hỗ trợ”, Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (NWC), nhận xét.
Ông Zachary Abuza cho rằng, trường hợp của Fauzi có thể truyền cảm hứng và giúp nhiều phần tử khủng bố ở Indonesia hoàn lương.
Những năm 1990, Indonesia thành lập Đội chống Khủng bố Densus 88. Năm 2010, Densus 88 hợp nhất với Cơ quan chống khủng bố Indonesia (BNPT). BNPT hiện tổ chức nhiều chương trình nhằm phi cực đoan hóa phạm nhân trong các nhà tù. Fauzi thường được BNPT lấy làm tấm gương để thuyết phục những phần tử khủng bố bị bắt giữ.
Từ năm 2019 – 2022, tỷ lệ tái phạm của tội phạm khủng bố ở Indonesia là 6%. Con số này ở các nhóm tội phạm khác là khoảng 13%. Indonesia được cho là quốc gia chống khủng bố thành công.
Ali Fauzi giờ đã là tiến sĩ (ảnh : SCMP)
Sau khi ra tù, Fauzi thành lập một trường học để giáo dục những người khác về sự nguy hiểm của tư tưởng khủng bố.
“Trong 5 năm qua, có hơn 3.000 người bị bắt giữ với cáo buộc có liên quan đến khủng bố. Họ cần thời gian và kiến thức để thay đổi”, Fauzi nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri, trong khi bắt giữ 6 kẻ chủ mưu khác trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001.