Chuyện lạ có thật: Đặc vụ “giỏi nhất” của Hitler trở thành sát thủ cho người Israel
Ít ai ngờ rằng một trong những sĩ quan SS được Hitler coi trọng nhất lại trở thành “lưỡi dao” cho Mossad (cơ quan tình báo Israel) và ra tay với chính các nhà khoa học Đức.
Otto Skorzeny – đặc vụ giỏi bậc nhất của Hitler (ảnh: Grunge)
Kẻ tôn sùng Hitler
Otto Skorzeny sinh ngày 12/6/1908 tại Viena (thuộc Áo) trong một gia đình trung lưu từng phục vụ quân đội đế chế Áo – Hung. Từ khi còn nhỏ, Skorzeny đã được dạy dỗ theo lối nhà binh và nổi tiếng với sự lì lợm. Bên má phải Skorzeny có một vết sẹo lớn do đấu kiếm thời sinh viên.
Skorzeny tôn thờ Hitler nhiệt thành, trong khi cha mẹ ông ta là những người kiên quyết phản đối đường lối của đảng Quốc xã, theo History,
Năm 1934, Skorzeny gia nhập chi nhánh đảng Quốc xã ở Áo và phục vụ trong SA (Sư đoàn bão táp) – tổ chức bán quân sự của đảng Quốc xã.
Năm 1939, Skorzeny gia nhập Sư đoàn Leibstandarte SS Panzer (SS) của Đức. Trong Thế chiến II, SS đã tàn sát dân thường, người Do Thái và tù binh chiến tranh một cách tàn nhẫn, theo History.
Đầu óc và sự lì lợm giúp Skorzeny thăng tiến nhanh chóng trong đảng Quốc xã. Năm 1942, Skorzeny được chỉ định trở thành chỉ huy lực lượng biệt kích SS, quân hàm trung tá.
Skorzeny gặp Hitler (ảnh: Irish Cenrtal)
“Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”
Theo Grunge, đến đầu năm 1943, chế độ phát xít ở Italia do nhà độc tài Benito Mussolini lãnh đạo đã lung lay dữ dội. Tháng 7/1943, quốc vương Italia khôi phục quyền lực và tuyên bố tước mọi chức vụ của Mussolini.
Trùm phát xít Italia bị giam giữ trong khách sạn Campo Imperatore trên đỉnh núi Gran Sasso cao gần 3.000 mét.
Không thể bỏ mặc “người bạn thân” Mussolini, Hitler đã chỉ định Skorzeny làm chỉ huy chiến dịch giải cứu mang tên Oak. Nhiệm vụ khó khăn này gần như là tự sát, theo Grunge.
Ngày 12/9/1943, nhóm 12 tàu lượn do Skorzeny chỉ huy bí mật đáp xuống sườn núi Gran Sasso. Chỉ trong vòng 4 phút, khoảng 200 lính Italia đã đầu hàng nhóm biệt kích của Skorzeny trong sự “hoang mang”.
Tàu lượn của quân Đức bí mật đáp xuống núi Gran Sasso (ảnh: War History Online)
Mussolini được hộ tống tới vùng quân Đức tạm chiến ở Italia.
Skorzeny trở thành một trong những sĩ quan giỏi nhất của SS sau chiến dịch Eiche. Ông ta được đích thân Hitler trao huân chương Thập tự Hiệp sĩ cao nhất của Đức (cao cấp hơn huân chương Thập tự Sắt).
Skorzeny rời đi cùng Mussolini bằng máy bay (ảnh: War History Online)
Tháng 6/1944, hơn 150.000 quân Đồng minh đổ bộ vùng biển Normandy (Pháp). Skorzeny nhiều lần dẫn các đội biệt kích (khoảng 200 lính Đức) mặc quân phục lính Mỹ để xâm nhập, tấn công từ bên trong và cướp vũ khí quân Đồng minh. Skorzeny được đối phương gán cho biệt danh “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”.
Tháng 10/1944, Hitler phái Skorzeny sang Hungary sau khi có tin Miklos Horthy (toàn quyền Hungary) đang bí mật đàm phán để đầu hàng Liên Xô.
Chiến dịch Panzerfaust được thực hiện. Skorzeny bắt cóc con trai Horthy và buộc ông này từ chức. Một chính quyền Hungary thân Đức mới được thành lập.
3 lãnh đạo phe Đồng minh, từ trái qua phải là Josef Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston S. Churchill (ảnh: History)
Theo National Interest, Skorzeny còn từng chỉ huy chiến dịch Rosselsprung (Cú nhảy dài) nhằm ám sát 3 nhà lãnh đạo Josef Stalin (Liên Xô), Winston S. Churchill (Thủ tướng Anh) và Franklin D. Roosevel (Tổng thống Mỹ) trong cuộc gặp vào tháng 11/1943 tại Tehran, Iran.
Vụ ám sát bất thành do tình báo Liên Xô đã nắm được thông tin và ngăn chặn trước hành động của Skorzeny.
“Chúng tôi đã bắt giữ toàn bộ thành viên của toán lính Đức đầu tiên xâm nhập Tehran”, sĩ quan tình báo Liên Xô Gevork Vartanyan kể lại.
Ngày 9/5/1945, Đức ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh. Bảy ngày sau, Skorzeny đầu hàng quân đội Mỹ ở Salzburg, Áo. Ông ta bị tình nghi từng tham gia vào các hoạt động diệt chủng người Do Thái nhưng không bị kết án tử hình tại tòa án chiến tranh.
Tháng 7/1948, Skorzeny trốn khỏi nhà tù và sống ẩn dật tại Tây Ban Nha, được cấp hộ chiếu và làm nghề kỹ sư.
Quyết định kỳ lạ của Mossad
Sau Thế chiến II, tình báo Israel được giao nhiệm vụ “săn lùng” các cựu sĩ quan Đức được cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người Do Thái. Otto Skorzeny – sĩ quan hàng đầu của SS – bị Mossad nhắm đến.
Tuy nhiên, thay vì giết Skorzeny (như kế hoạch ban đầu), Isser Harel, Giám đốc đầu tiên của Mossad, đã đưa ra một quyết định táo bạo: Lợi dụng “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”, theo Haaretz (tờ báo có số lượng ấn phẩm lớn thứ 3 Israel).
Cần phải nói thêm rằng, sau Thế chiến II, Đức quốc xã đã không còn là mối nguy hiểm lớn nhất đối với nhà nước non trẻ Israel mà là liên minh Ả Rập, do Ai Cập dẫn đầu.
Năm 1948, chiến tranh Israel - Ả Rập bùng nổ. Israel đương đầu với liên quân 8 nước Ai Cập, Syria, Jordan, Liban, Iraq, Ả Rập Saudi, Yemen và Palestine. Kết quả, Israel chiến thắng.
Tháng 6/1956, Abdel Nasser được bầu làm Tổng thống Ai Cập và ông thề sẽ trừng phạt Israel.
Theo Haaretz, thời bấy giờ, người Israel tin rằng ông Nasser có tư tưởng giống với trùm phát xít Hitler. Wisconsin Jewish Chronicle (báo Israel) đã mô tả Nasser có “kế hoạch diệt chủng người Do Thái ở Israel”.
Mossad được cho là đã bí mật tuyển dụng Skorzeny (ảnh: Arab New)
Đầu thập niên 1960, Israel nắm được thông tin nhiều nhà khoa học tên lửa từng phục vụ Đức quốc xã đang làm việc cho Ai Cập. Mossad lập tức mở chiến dịch Damocles để thanh trừng các nhân vật này.
Ban đầu, Mossad chỉ đe dọa và cảnh cáo các nhà khoa học Đức, nhưng không mấy hiệu quả. Biện pháp mạnh tay hơn được đưa ra: Ám sát.
Việc thực hiện các vụ ám sát trên đất Ai Cập và Đức không phải chuyện dễ, theo Haaretz. Các đặc vụ Mossad cần tiếp cận mục tiêu và cần có một “tay trong”. Họ tìm tới Otto Skorzeny.
Theo Grunge, khi các đặc vụ Mossad tiếp cận Skorzeny ở Tây Ban Nha (khoảng năm 1961), ông ta tưởng rằng mình sắp bị giết. Trước đó, vào tháng 5/1960, Adolf Eichmann – trung tá lực lượng SS – đã bị Mossad bắt ở Argentina và đưa về Israel để xử tử (hành động này đã vi phạm chủ quyền của Argentina).
Với Skorzeny, Mossad đưa ra một đề nghị khác: Trở thành “lưỡi dao” của người Do Thái.
Skorzeny đồng ý chỉ điểm và giúp Mossad ám sát các nhà khoa học Đức ở Ai Cập với điều kiện Israel phải bảo vệ mạng sống và gạch tên ông ta khỏi danh sách tội phạm chiến tranh.
Về cơ bản, Mossad chấp nhận thỏa thuận này, theo Grunge.
Cái chết của Heinz Krug
Đầu năm 1962, Otto Skorzeny đã có mặt ở Israel (vùng đất cấm kỵ đối với các cựu sĩ quan Đức quốc xã) và có trong tay một danh sách mục tiêu, theo Grunge.
Ngày 11/9/1962, Heinz Krug – nhà khoa học nổi tiếng người Đức – bất ngờ mất tích một cách bí ẩn.
Theo thông tin ít ỏi mà cảnh sát Đức thu thập được, Heinz Krug rời nhà tới nơi làm việc ở Munich (thành phố Đức) và không bao giờ quay lại nữa. Một chi tiết khác khiến cảnh sát chú ý là trước khi chết, Heinz thường xuyên lui tới Cairo (thủ đô Ai Cập).
Krug là một trong hàng chục chuyên gia của Peenemunde – cơ sở quân sự bí mật bên bờ biển Baltic của Đức trong Thế chiến II. Tại Peenemunde, các bộ não hàng đầu của Đức chế tạo tên lửa với tầm bắn xa hơn, sức công phá mạnh hơn để tấn công nước Anh.
Sau Thế chiến II, Krug được Ai Cập thuê để giúp Cairo sở hữu một hệ thống tên lửa hiện đại, chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm tàng với Israel. Ở Munich, Krug có một công ty cung cấp thiết bị quân sự cho Ai Cập. Ở Cairo, ông ta sở hữu một “công ty ma” liên quan đến chương trình tên lửa của Ai Cập, theo Haaretz.
Sau khi Krug mất tích, HaBoker (tờ báo Israel nay đã ngừng xuất bản) dẫn “nguồn tin tình báo” và đưa ra một thông tin đáng kinh ngạc: Người Ai Cập đã tới Đức, bắt cóc Krug để ngăn ông này làm việc cho… Israel.
Thực tế, HaBoker (hoặc tình báo Israel) đang cố ý đánh lạc hướng các nhà điều tra Đức, Grunge đánh giá.
Heinz Krug – nhà khoa học nổi tiếng người Đức (ảnh: Ardmediathek)
Năm 2016, sau cuộc phỏng vấn với 2 cựu quan chức Mossad (giấu tên) và nhiều nhân chứng từng tiếp cận các tài liệu mật của Mossad, Haaretz đưa tin, chính Otto Skorzeny (theo lệnh của Israel) đã sát hại nhà khoa học Krug.
Haaretz cho hay, những bức thư và những cuộc điện thoại đe dọa đã khiến Krug gần như “phát điên”. Ông ta cảm thấy Mossad rình rập xung quanh và mạng sống của mình bị đe dọa.
Đúng lúc này, Skorzeny – đặc vụ “giỏi nhất” của Hitler – xuất hiện và tuyên bố sẽ bảo vệ Krug.
Theo Haaretz, vào ngày 11/9/1962, Heinz Krug đã rời nơi làm việc để gặp Skorzeny. Hai người ngồi trên chiếc Mercedes trắng, đi về phía bắc và rời khỏi thành phố Munich.
Skorzeny cho biết đã sắp xếp 3 vệ sĩ đáng tin cậy để bảo vệ Krug và họ đang đi ngay phía sau, trên một chiếc xe khác. Trong một khu rừng, nơi Skorzeny cho là “an toàn” để nói chuyện, Skorzeny rút súng và hạ sát Krug.
Sau khi Krug bị bắn chết, 3 “vệ sĩ” (thực chất là các đặc vụ người Israel) đổ axit lên xác ông ta. Phần thi thể còn sót lại của Krug được chôn trong một cái hố, phủ vôi lên trên để chó nghiệp vụ và thú hoang không thể đánh hơi.
Mossad chưa bao giờ thừa nhận có liên quan đến cái chết của nhà khoa học Đức.
Tháng 11/1962, một bưu kiện chứa bom được gửi tới nhà máy tên lửa Heliopolis (Ai Cập), nơi được cho là có một số nhà khoa học Đức làm việc. Quả bom phát nổ khiến 5 công nhân Ai Cập thiệt mạng.
Vụ việc này được cho là do Skorzeny gây ra.
Theo Haaretz, cùng với các hành động của Mossad, chiến dịch Damocles được đánh giá là thành công. Đa số các nhà khoa học Đức đã rời khỏi Ai Cập.
Cái chết của Skorzeny
Năm 1975, Skorzeny chết vì bệnh ung thư ở Madrid.
Skorzeny là sĩ quan SS cấp cao hiếm hoi sống yên bình cho tới cuối đời và thậm chí còn là một triệu phú. Không ai biết nguồn tiền của Skorzeny đến từ đâu trong khi ông ta chỉ là một kỹ sư “hạng xoàng” ở Tây Ban Nha.
Trước khi chết, Hitler lập di chúc và phân chia khối tài sản của ông ta.
Nguồn: [Link nguồn]