Chuyện ít biết về “thợ săn” gián điệp giỏi nhất ở Liên Xô

Đó là Rem Krasilnikov, người đã phát hiện được gần 20 gián điệp của CIA và nhiều điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao. Nỗ lực của ông đã làm tê liệt hoạt động của tình báo Mỹ ở Liên Xô vào cuối những năm 1980.

“Chuột chũi” Sergei Vorontsov

“Chuột chũi” Sergei Vorontsov

Rem Krasilnikov sinh năm 1927 tại Mátxcơva (Nga). Năm 1949, sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Mátxcơva (MGIMO), ông vào làm việc tại Cục An ninh tỉnh Kuibyshev thuộc Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô, tiền thân của KGB.

R.Krasilnikov sau đó được chuyển về Tổng cục 2 (Phản gián), KGB. Năm 1955, ông chuyển sang Tổng cục 1 (Tình báo đối ngoại) và được cử đến Canada làm Chỉ huy phó mạng lưới tình báo Liên Xô. Năm 1961, ông trở về nước.

Năm 1965, R.Krasilnikov được cử tới Lebanon làm Chỉ huy phó mạng lưới tình báo. Năm 1969, ông trở về nước và làm việc tại KGB. Năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng 2 (Phòng “Anh”), Tổng cục 2. R.Krasilnikov sau đó được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng phòng 1 (Phòng “Mỹ”), Tổng cục 2.

Cuối năm 1982, lực lượng phản gián kỹ thuật thu được tín hiệu vô tuyến sóng ngắn được mã hóa. Theo R.Krasilnikov và đồng nghiệp, những tín hiệu đó xuất hiện khi các nhân viên Đại sứ quán Mỹ di chuyển trong thành phố. Họ còn mang theo túi mua sắm khá lớn khi đến các công viên ở Mátxcơva. Các sĩ quan phản gián cho rằng, người Mỹ thử nghiệm thiết bị truyền và nhận thông tin kiểu mới. Filevsky là công viên tiếp theo mà nhân viên Đại sứ quán Mỹ có thể đến…

Ngày 7-3-1983, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ Richard Osborne và vợ mang theo túi mua sắm đến Filevsky. Ngay lúc đó, tín hiệu vô tuyến phát ra từ công viên này. Lực lượng phản gián do R.Krasilnikov chỉ huy bắt giữ Richard Osborne, thu giữ chiếc túi mua sắm của vợ ông này và phát hiện máy phát sóng vô tuyến nhỏ gọn. Gia đình Richard Osborne sau đó bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Tháng 8-1985, báo chí Mỹ đưa tin rằng Liên Xô đã theo dõi các nhà ngoại giao Mỹ với sự trợ giúp của loại bột đặc biệt. Theo các nhà báo, xe của các nhân viên Đại sứ quán Mỹ bị đánh dấu bằng chất này. Sau khi phân tích các khía cạnh của thông tin này, R.Krasilnikov cùng đồng nghiệp nhận định rằng gián điệp chỉ có thể là nhân viên phản gián.

Thiếu tướng Rem Krasilnikov

Thiếu tướng Rem Krasilnikov

Aldrich Ames, điệp viên CIA làm việc cho KGB cung cấp thông tin về kẻ phản bội này, nhưng không biết họ, tên của hắn. R.Krasilnikov và đồng nghiệp xác định được rằng đối tượng từng đến Ireland. Trong lúc cuộc điều tra bị đình trệ, kẻ đó đã tự “lộ sáng” khi cung cấp cho CIA danh tính của gián điệp Liên Xô mà chỉ hắn biết. Đó là cựu Phó trưởng phòng 2, Cục An ninh Mátxcơva và tỉnh Mátxcơva thuộc KGB, Sergei Vorontsov. Ông ta từng đến Ireland và chuyển cho CIA thông tin về các biện pháp đặc biệt của KGB, phương pháp và phương tiện theo dõi nhân viên đại sứ quán của các nước phương Tây... Các mẫu của loại bột mà Vorontsov đã tiết lộ cho CIA được tìm thấy khi khám xét bí mật căn hộ của ông ta. Vorontsov bị bắt vào đầu năm 1986 và bị tử hình. Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ Michael Sellers, người phụ trách Vorontsov bị tuyên bố là người không được hoan nghênh.

R.Krasilnikov và các nhân viên đã bắt giữ gián điệp khác là Trung tá KGB Leonid Poleshchuk và Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ, Paul Stombauch. Paul Stombauch phụ trách Adolf Tolkachev, kỹ sư thiết kế của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật vô tuyến điện Fazotron Liên Xô được tuyển mộ làm gián điệp cho Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của R. Krasilnikov, 7 chiến dịch bắt quả tang điệp viên CIA đã được thực hiện. Trong hơn 10 năm, ông cùng các đồng nghiệp phát hiện gần 20 nhân viên KGB và các cơ quan đặc biệt khác của Liên Xô làm gián điệp cho CIA, bắt giữ 10 công dân Liên Xô hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây…

R.Krasilnikov nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng vào năm 1992 và qua đời vào năm 2003. Ông đi vào lịch sử các cơ quan đặc biệt Liên Xô với tư cách là “thợ săn” gián điệp giỏi nhất thời Chiến tranh Lạnh.

Nóng cuộc chiến gián điệp Nga - Mỹ

CIA tung chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi người dân Nga làm gián điệp cho Mỹ nhưng hiệu quả được đánh giá là không cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Tuất - Lenta ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN