Chuyên gia WHO nói gì về lệnh phong tỏa ở một số nước để chống Covid-19?
Theo một chuyên gia khẩn cấp hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia không thể chỉ đơn giản phong tỏa toàn bộ đất nước của mình để phòng ngừa dịch Covid-19.
"Điều chúng ta thực sự cần tập trung là tìm kiếm những người mắc bệnh, những người bị nhiễm virus, truy tìm địa chỉ liên lạc của họ và cách ly họ", tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
"Điều nguy hiểm ở thời điểm hiện tại với các lệnh phong tỏa... là nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ ngay từ bây giờ, thì khi những lệnh hạn chế di chuyển và phong tỏa được dỡ bỏ, dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại."
Phần lớn các nước châu Âu và Mỹ hiện đã học theo Trung Quốc và các nước châu Á khác, khi đưa ra những lệnh hạn chế đi lại khắt khe để chống sự lây lan của dịch Covid-19, cùng với việc khuyến khích, yêu cầu người dân, trẻ em nên học tập và làm việc tại nhà, và tạm thời đóng cửa các quầy bar, quán rượu và nhà hàng.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO (Ảnh: Reuters)
Tiến sĩ Ryan cho rằng các ví dụ từ Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc, những nước đang kết hợp chặt chẽ các lệnh hạn chế cùng những biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt các đối tượng nghi nhiễm, đã tạo nên một hình mẫu cho châu Âu, nơi đã thay thế khu vực châu Á để trở thành tâm dịch Covid-19 trên toàn thế giới.
Italia hiện đang là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại châu Âu, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cảnh báo rằng hệ thống y tế của nước này có thể sẽ quá tải, trừ khi người dân ý thức được việc hạn chế các tương tác ngoài xã hội. Ông Robert Jenrick, Bộ trưởng Nhà đất Anh, nói rằng việc sản xuất các loại kit thử nghiệm sẽ tăng gấp đôi vào tuần sau và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
"Một khi kiềm chế được sự lây nhiễm, chúng ta vẫn phải truy tìm và chiến đấu với loại virus này", Giám đốc Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO nói.
Cũng theo tiến sĩ Ryan, dù một số loại vaccine phòng Covid-19 đang được phát triển, nhưng mới chỉ có một loại được tiến hành thử nghiệm ở Mỹ. Ông cho biết để đảm bảo an toàn khi đưa vaccine vào sử dụng, cần tốn ít nhất 1 năm.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Trung Quốc hồi tuần trước ghi nhận ca lây nhiễm nội địa duy nhất ở tỉnh Quảng Đông, do người nhiễm mang về từ nước...
Nguồn: [Link nguồn]