Chuyên gia Trung Quốc nhận định mối quan hệ nồng ấm trở lại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc
Trung Quốc có lý do để quan ngại khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng nồng ấm và hai quốc gia Đông Á cam kết cùng Mỹ giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực, các nhà phân tích Trung Quốc nhận định, theo SCMP.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và phu nhân lên máy bay về nước sau chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài 2 ngày.
Theo tờ SCMP, các nhà quan sát Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh lo ngại về một liên minh quân sự mới có thể hình thành giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Là những nước láng giềng gần gũi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên hợp tác để duy trì nền tảng chính trị trong quan hệ giữa các nước và cam kết vì sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững của hợp tác ba bên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 8/5 phát biểu.
Hồi tháng 3, giới chức Trung Quốc, bao gồm cả đại sứ Bắc Kinh tại Seoul Xing Haiming, đã bày tỏ sự ủng hộ với việc nối lại cuộc họp ba bên. Cuộc họp vốn đã bị đình chỉ kể từ tháng 12/2019 do tranh chấp về bồi thường do Nhật Bản sử dụng lao động cưỡng bức ở Hàn Quốc trong thời chiến.
Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy quan hệ Hàn Quốc và Nhật bản nồng ấm trở lại, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây đã kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Seoul. Đây là chuyến thăm đáp lại của ông Kishida sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới Tokyo vào tháng 3/2023. Sau 12 năm, ông Kishida là nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tới thăm thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Mặc dù Trung Quốc hầu như không được nhắc tới trong các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, các chuyên gia Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh ngày càng cảnh giác với mối quan hệ đang ấm dần lên của hai nước láng giềng và chiến lược xoay trục hướng về Mỹ của hai nước này, theo SCMP.
Liu Jiangyong, chuyên gia về các vấn đề khu vực tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói rằng vẫn còn phải xem mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhưng nhìn chung, mối quan hệ quân sự và an ninh chặt chẽ của hai nước này với Mỹ là điều đáng lo ngại, ông Liu nói.
"Mối quan hệ nồng ấm giữa Nhật Bản-Hàn Quốc có thể cản trở nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện hợp tác ba bên và tác động tiêu cực đến quan hệ của Trung Quốc với mỗi nước", ông Liu nói thêm. "Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mối quan hệ an ninh được củng cố giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên".
Shi Yinhong, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói Hàn Quốc dưới thời ông Yoon đã nhanh chóng bắt kịp Mỹ và Nhật Bản trong một số vấn đề quan trọng liên quan tới Trung Quốc.
“Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy một liên minh quân sự ba bên, đồng thời cố gắng khiến Hàn Quốc giữ khoảng cách trong quan hệ với Trung Quốc", ông Shi nhận định. "Nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn những bất đồng và hai nước chưa thể sớm xích lại gần nhau hơn".
Nhật Bản hiện là đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Đông Á trong chiến lược đối phó Trung Quốc. Ông Shi cho rằng, Hàn Quốc trong tương lai gần sẽ vẫn tỏ ra thận trọng.
Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, cũng cho rằng vẫn còn khoảng cách dù Seoul và Tokyo đang hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.
"Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, nhưng tâm lý chống Nhật vẫn còn đó và tình hình có thể thay đổi khi có một nhà lãnh đạo với quan điểm khác lên nắm quyền ở Hàn Quốc", ông Hardy-Chartrand nhận định.
Tổng thống Hàn Quốc là người ủng hộ chiến lược châu Á của Mỹ, bao gồm sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích Trung Quốc cũng lo ngại về cuộc gặp ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Nhật Bản trong tháng này. Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã mời ông Yoon tới dự hội nghị với tư cách là nhà quan sát.
Chuyên gia Liu đến từ Đại học Thanh Hoa, nói rằng "Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đạt được sự đồng thuận nhưng các bên vẫn đang theo đuổi những mục đích riêng", theo SCMP.
Ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với người dân Hàn Quốc rằng “trái tim ông đau nhói” khi nghĩ đến những khổ đau mà họ phải trải qua dưới thời kỳ thuộc địa...
Nguồn: [Link nguồn]