Chuyên gia Trung Quốc nêu cách khắc chế oanh tạc cơ B-21, B-52 của Mỹ

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Sau khi Mỹ ra thông báo về việc nâng cấp hoàn toàn "pháo đài bay" B-52 và ra mắt oanh tạc cơ B-21, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cặp máy bay ném bom này nhiều khả năng là nòng cốt của lực lượng tấn công chiến lược Không quân Mỹ trong vài thập kỷ tới. 

Hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Ảnh: MWM

Hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Ảnh: MWM

Chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu ngày 24/10, Fu Qianshao - một chuyên gia hàng không quân sự Trung Quốc - cho biết, Mỹ đang vận hành 3 loại máy bay ném bom chiến lược, gồm máy bay B-52 thế hệ thứ nhất, máy bay B-1B thế hệ thứ ba và máy bay B-2 thế hệ thứ tư.

Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, máy bay ném bom B-1B và B-2 sẽ "nghỉ hưu" sau khi quá trình phát triển oanh tạc cơ B-21 hoàn tất. Điều này đồng nghĩa chỉ còn "pháo đài bay" B-52 và máy bay B-21 còn hoạt động. Cặp đôi oanh tạc cơ này sẽ là nòng cốt của lực lượng tấn công chiến lược, thuộc Không quân Mỹ, trong vài thập kỷ tới, theo ông Fu. 

Zhang Xuefeng, một chuyên gia quân sự Trung Quốc khác, nói với Hoàn cầu ngày 24/10 rằng Không quân Mỹ đang nâng cấp "pháo đài bay" B-52 và phát triển sản xuất oanh tạc cơ B-21 cùng lúc. 

Cặp máy bay ném bom chiến lược này sẽ tạo thành sự kết hợp giữa oanh tạc cơ đời mới và oanh tạc cơ đời cũ. "Máy bay ném bom B-52 đời cũ ít có khả năng xâm nhập. Vì vậy, Không quân Mỹ có thể phải trang bị tên lửa siêu thanh AGM-183 (đang phát triển) cho máy bay này để tấn công từ bên ngoài phòng tuyến của đối phương. Tuy nhiên, các tên lửa như AGM-183 rất đắt và số lượng có hạn vì vậy các máy bay ném bom đời mới như B-21 sẽ tận dụng khả năng tàng hình để xuyên thủng phòng tuyến đối phương và quân đội Mỹ chỉ cần trang bị các tên lửa giá rẻ như JDAM cho B-21", chuyên gia Zhang phân tích. 

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cảnh báo, Bắc Kinh cần phải chuẩn bị để đối phó chiến thuật tác chiến này của Mỹ. 

Theo một số nhà phân tích Trung Quốc, dù có được nâng cấp bao nhiêu đi nữa, B-52 cũng không thể có khả năng tàng hình. Trung Quốc nên phát triển khả năng phát hiện và đánh chặn từ xa bằng cách triển khai các chiến đấu cơ và tàu chiến ra xa đất liền hơn. 

Trong khi đó, oanh tạc cơ B-21 có phạm vi hoạt động hẹp hơn so với máy bay ném bom B-2 và phụ thuộc vào các căn cứ chỉ huy. Vì vậy, tấn công các căn cứ chỉ huy và sân bay nơi B-21 được triển khai sẽ là cách vô hiệu hóa hiệu quả, theo một số nhà phân tích quân sự. 

Bắc Kinh cũng có thể học hỏi từ việc phát triển máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, theo chuyên gia Fu. 

Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc, cùng thế hệ với B-52, đã được nâng cấp nhiều lần để biến nó từ một oanh tạc cơ chiến lược tầm trung thành oanh tạc cơ chiến lược tầm xa. 

Ông Fu cũng cho biết, một khi oanh tạc cơ thế hệ mới của Trung Quốc H-20 được ra mắt, nó sẽ sánh ngang với oanh tạc cơ B-21 của Mỹ, thậm chí, còn vượt trội hơn ở một số khía cạnh. 

Tuần trước, Northrop Grumman - công ty sản xuất oanh tạc cơ B-21 - thông báo, B-21 sẽ "trình làng" lần đầu tiên vào ngày 2/12. Theo hãng Defense News, đây là lần đầu tiên Không quân Mỹ công khai máy bay ném bom mới trước công chúng kể từ lần công khai máy bay ném bom B-2 năm 1988. Sau màn ra mắt, B-21 sẽ có lần cất cánh đầu tiên vào năm 2023. 

Thông báo về B-21 được đưa ra ngay sau khi Boeing công bố một hình ảnh mới cho thấy "pháo đài bay" B-52 đang được nâng cấp. Mẫu nâng cấp sẽ được gọi tên là B-52J hoặc B-52K, theo tạp chí Air & Space Forces. 

Lộ diện siêu vũ khí mới trang bị trên “pháo đài bay” B-52 của Mỹ

Không quân Mỹ đang tiến rất gần đến việc trang bị các tên lửa siêu thanh AGM-183A (ARRW) trên các oanh tạc cơ chiến lược B-52.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN