Chuyên gia Trung Quốc: Khái niệm tiếp xúc gần cần được thay đổi vì biến thể Delta
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc cho rằng quan niệm ban đầu về tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 cần được thay đổi vì đặc tính lây nhiễm mạnh của biến thể Delta.
Dịch bệnh COVID-19 đang tái bùng phát mạnh tại Trung Quốc. Ảnh: Baidu
Theo China News, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 4/8 thông báo, nước này ghi nhận thêm 96 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 71 ca nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca nhiễm ghi nhận tại nước này là 93.289, trong đó có 4.636 trường hợp tử vong.
Trung Quốc đang đối mặt với đợt lây lan dịch bệnh rộng rãi nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát tại Vũ Hãn hồi đầu năm 2020.
Ông Mễ Phong, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, các ca lây nhiễm hiện nay ở nước này chủ yếu là biến thể Delta.
"Nó có đặc điểm là tốc độ lây lan nhanh, nhân bản nhanh trong cơ thể, thời gian chuyển thành âm tính lâu nên càng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống dịch", ông Mễ nói.
Thực tế, biến thể Delta đã được phát hiện tại Trung Quốc trong đợt bùng phát dịch hồi tháng 5 năm nay ở thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), cũng khiến hơn 100 người bị nhiễm bệnh.
Ngày 31/7 vừa qua, Chung Nam Sơn, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc, khi tham dự một sự kiện hội nghị thượng đỉnh ở Quảng Châu, chỉ ra rằng biến thể Delta có đặc điểm là tải trọng cao, khả năng lây nhiễm mạnh và người nhiễm thở ra nồng độ virus lớn, do đó khái niệm tiếp xúc gần trước đây "không còn áp dụng được nữa".
"Trước đây quan niệm về tiếp xúc gần là người nhà của người bệnh, đồng nghiệp cùng cơ quan, những người ăn uống, hội họp cách người bệnh trong vòng 1-2m đều là những người tiếp xúc gần.
Đối với biến thể delta, những người đã ở cùng người bệnh trong cùng một không gian, cùng một đơn vị, cùng một tòa nhà 4 ngày trước khi phát bệnh đều là những người có tiếp xúc gần", chuyên gia Chung Nam Sơn lý giải.
Ông Chung cho biết thêm, nhờ sự thay đổi quan niệm tiếp xúc gần, các chuyên gia đã xây dựng các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa ở từng mức độ khác nhau, nhờ đó mà có thể khống chế đợt bùng phát dịch ở Quảng Châu trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn. Ảnh: QQ
Virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong mọi điều kiện khí hậu
Virus SARS-CoV-2 được xem là "họ hàng" với virus SARS hội chứng hô hấp cấp tính xảy ra năm 2002-2004. Khi đó, SARS đã dần lặng lẽ biến mất vì sự xuất hiện của nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, điều kiện này dường như không áp dụng được với virus SARS-CoV-2.
Đầu tháng 5 năm ngoái, tạp chí nổi tiếng "Science" đã xuất bản một bài báo của các nhà nghiên cứu từ Đại học Princeton (Mỹ), nói rằng "mùa hè đang đến gần ở bán cầu bắc và nhiệt độ tăng cao khó có thể kìm hãm đáng kể sự lây lan rộng của đại dịch COVID-19".
Theo một nghiên cứu được công bố bởi nhóm Y tế Cộng động đến từ Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đăng trên tạp chí European Respiratory, từ quan điểm lây nhiễm ở các thành phố Trung Quốc, các yếu tố khí hậu như nhiệt độ và bức xạ tia cực tím "không có tác động đáng kể đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2". Mô hình dịch bệnh này "tương tự như Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), khi nhiệt độ vượt quá 45 độ C, số ca mắc MERS vẫn gia tăng".
Từ quan điểm của các khu vực mà virus SARS-CoV xuất hiện trên thế giới, người ta đã chứng minh được rằng virus này có khả năng lây lan trong các điều kiện khí hậu khác nhau.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã tuyên bố rằng, từ những bằng chứng thu được cho đến nay, virus SARS-CoV-2 "có thể lây lan ở mọi khu vực, kể cả những khu vực có khí hậu nóng ẩm".
WHO khuyến cáo: "Bất kể điều kiện khí hậu như thế nào, mọi người đều phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nếu họ sống trong hoặc đi đến các khu vực đã được báo cáo về COVID-19".
Nguồn: [Link nguồn]
Người dân Vũ Hán đổ ra siêu thị, vét sạch các kệ hàng sau khi thành phố ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng liên quan đến...