Chuyên gia TQ "chê" tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Ấn Độ
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay tự đóng của Ấn Độ không thể so sánh với tàu sân bay Phúc Kiến hạ thủy hồi tháng 6 của Trung Quốc.
Tàu sân bay Vikrant của Ấn độ (ảnh: BI)
Sau hơn một thập kỷ hoàn thiện, hôm 28.7, hải quân Ấn Độ đã nhận được tàu sân bay Vikrant. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự đóng. Vikrant dài 262 mét, lượng choán nước 45.000 tấn. Tàu có 14 boong, 2.300 khoang và có thể chở thủy thủ đoàn 1.700 người. Tốc độ tối đa của Vikrant là 28 hải lý/giờ.
Dẫn tuyên bố của hải quân Ấn Độ,tờ Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết tàu Vikrant của Ấn Độ trị giá 3,13 tỷ USD. Với Vikrant, Ấn Độ chính thức gia nhập nhóm các nước có thể tự đóng tàu sân bay, bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc.
Theo Hoàn cầu, việc đóng tàu sân bay Vikrant cho thấy tham vọng trở thành cường quốc hàng hải của Ấn Độ. Tuy nhiên, về công nghệ đóng tàu, nước này vẫn còn “thua xa” Trung Quốc.
Việc thiết kế và hoàn thiện tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ kéo dài từ năm 1999 đến 2022. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã hạ thủy 3 tàu sân bay. Trong đó, tàu sân bay Phúc Kiến được Trung Quốc ra mắt hồi tháng 6 được trang bị công nghệ phóng máy bay bằng hệ thống phóng điện từ, hiện đại ngang ngửa tàu sân bay Mỹ.
Song Zhongping – chuyên gia quân sự Trung Quốc – cho rằng, tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ thậm chí còn không hiện đại bằng tàu sân bay Liêu Ninh do Trung Quốc hạ thủy vào năm 2012.
“Liêu Ninh là tàu sân bay cỡ lớn trong khi tàu Vikrant chỉ là cỡ trung bình. Xét về khả năng hoạt động, Liêu Ninh cũng mạnh mẽ hơn Vikrant”, ông Song nói.
Tàu sân bay Phúc Kiến do Trung Quốc đóng (ảnh: Hoàn cầu)
“Nền công nghiệp quân sự của Ấn Độ tương đối yếu. Phát triển tàu sân bay nội địa là thách thức đối với họ. Trung Quốc có thể tự hoàn thiện toàn bộ quá trình thiết kế tàu sân bay, trong khi Ấn Độ chỉ có thể làm một phần”, ông Song nói.
“Ấn Độ luôn cho rằng Ấn Độ Dương là đại dương của Ấn Độ và cần phát triển hải quân với tàu sân bay là trung tâm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của họ chưa mạnh mẽ cho lắm, vì vậy, Ấn Độ mất nhiều thời gian để đóng một tàu sân bay”, ông Song nói thêm.
Dẫn lời Zhang Zhaozhong, chuyên gia quân sự nghiên cứu tàu sân bay tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Hoàn cầu cho rằng, quá trình phát triển tàu sân bay của Ấn Độ tồn tại nhiều “bất ổn và khúc quanh”. Điều này dẫn đến ảnh hưởng về tư duy thiết kế, thiếu tính liên tục trong cả quá trình sản xuất tàu sân bay.
Hải quân Ấn Độ đã tiếp nhận tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Vikrant, cũng tàu chiến lớn nhất trong lịch sử do Ấn Độ tự sản xuất.
Nguồn: [Link nguồn]