Chuyên gia: Thế “phóng lao” của Mỹ ở Biển Đông

Nếu không giữ lời, không đưa tàu chiến, máy bay áp sát đảo nhân tạo của Biển Đông, Mỹ sẽ đánh mất uy tín của mình trong khu vực. Nhưng nếu thực hiện kế hoạch, nguy cơ nổ ra đụng độ, xung đột là rất lớn.

Trong những ngày gần đây, giới phân tích quốc tế đang rất hào hứng với một bài viết được đăng trên tờ Wall Street Journal rằng chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng điều tàu chiến và máy bay quân sự áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh những hòn đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong một bài viết được đăng trên tờ National Review, nhà phân tích Michael Auslin cho rằng nếu được thực hiện, chính sách này của Mỹ có thể dẫn tới sự đối đầu trực tiếp căng thẳng nhất giữa Mỹ với Trung Quốc ở châu Á, và nó có thể làm bùng phát một cuộc đụng độ vũ trang giữa hai cường quốc trong thời gian rất sớm.

Chuyên gia: Thế “phóng lao” của Mỹ ở Biển Đông - 1

Tàu chiến Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch điều tàu, máy bay tuần tra tới sát khu vực 12 hải lý quanh 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc ngang ngược cho rằng khu vực 12 hải lý xung quanh những hòn đảo này là “lãnh hải” của họ, mặc dù theo luật pháp quốc tế, những đảo nhân tạo này không hề có giá trị về chủ quyền.

Từ lâu, nhiều chỉ huy hải quân Mỹ như Đô đốc Samuel Locklear và Đô đốc Harry Harris đều đã cảnh báo rằng hoạt động xây đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm phục vụ ý đồ kiểm soát thực tế khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.

Theo những tướng lĩnh này, bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là tuyên bố thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên quần đảo Trường Sa hoặc trên cả Biển Đông, giống như những gì họ đã làm trên biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Chuyên gia: Thế “phóng lao” của Mỹ ở Biển Đông - 2

Trung Quốc đang ráo riết xây đảo nhân tạo trên Biển Đông

Vào thời kỳ đó, Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông với ý đồ “đe dọa” Nhật Bản để buộc Tokyo phải nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku. Chuyên gia Auslin cho rằng ADIZ trên quần đảo Trường Sa hoặc Biển Đông sẽ được Trung Quốc thiết lập với ý đồ tương tự.

Theo ông Auslin, trong khi Nhật Bản có đủ tiềm lực để chống lại sức ép của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á khó có thể đương đầu trực diện với Bắc Kinh, điển hình như vụ Trung Quốc cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines mà hầu như không vấp phải sự kháng cự nào. Ông Auslin cho rằng đó chính là lý do mà nhiều quốc gia trong khu vực tin rằng chỉ có Mỹ là có cơ hội và khả năng để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.

Và có vẻ như Mỹ đang tính đến việc thực hiện khả năng đó của mình, trong khi Trung Quốc bày tỏ thái độ phản đối quyết liệt và cảnh báo Mỹ rằng việc Mỹ đưa tàu chiến, máy bay áp sát đảo nhân tạo của họ là “liều lĩnh và khiêu khích”.

Chuyên gia: Thế “phóng lao” của Mỹ ở Biển Đông - 3

Mỹ đang xem xét điều tàu chiến, máy bay áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chuyên gia Austin cho rằng lúc này Mỹ đã tự đặt mình vào thế “trót phóng lao”. Sau khi đưa ra những tín hiệu được mong chờ trên, nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama không điều tàu chiến, máy bay để thách thức “lãnh hải tự xưng” của Trung Quốc, họ sẽ đánh mất uy tín của mình trong khu vực, khiến Trung Quốc càng tự tin đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa những hòn đảo này.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch này, chắc chắn Bắc Kinh sẽ tìm cách đối phó ngay lập tức. Việc để tàu chiến Mỹ áp sát các đảo nhân tạo sẽ khiến Bắc Kinh “mất mặt”, và nó có thể dẫn đến những cuộc đối đầu quân sự trên biển hoặc trên không và tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột rất lớn.

Theo ông Austin, để hóa giải nguy cơ này, các lực lượng quân sự Mỹ cần phải có những quy tắc tiếp cận rất rõ ràng để đảm bảo rằng bất cứ sự cố, tai nạn nào cũng có thể được phòng tránh hoặc kiềm chế, tránh là căng thẳng leo thang thành xung đột.

Chuyên gia: Thế “phóng lao” của Mỹ ở Biển Đông - 4

Lực lượng Mỹ phải có những quy tắc tiếp cận rõ ràng để tránh gây xung đột. Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc gây sự với hải quân và không quân Mỹ cũng không hề đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc, điều này từng được thể hiện vào năm 2013, khi Bắc Kinh “im hơi lặng tiếng” trong lúc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ gầm rú trong khu vực ADIZ mà họ mới thiết lập trên biển Hoa Đông.

Nói tóm lại, ông Austin cho rằng sau khi “phóng lao”, nếu không muốn để Trung Quốc tiếp tục lấn lướt trên Biển Đông, Mỹ sẽ phải tiếp tục “theo lao” và thực hiện các cam kết đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, nhưng đồng thời cũng phải có những quy tắc chặt chẽ để tránh gây ra xung đột bất ngờ trên vùng biển chiến lược này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN