Chuyên gia: Sai lầm của phương Tây trong việc kiềm chế cỗ máy quân sự Nga
Pháo được coi là "vua chiến trường" trong các cuộc xung đột nhờ khả năng quyết định cục diện trận chiến. Nga hiện đang sản xuất và sử dụng pháo với quy mô lớn trong khi phương Tây chưa có các động thái ngăn chặn triệt để.
Pháo binh Nga khai hỏa trong xung đột ở Ukraine. Ảnh: Anadolu.
Tầm quan trọng của pháo trên chiến trường
Trong suốt nhiều thế kỷ, yếu tố quan trọng quyết định chiến thắng trên chiến trường là vô hiệu hóa pháo binh đối phương. Ngược lại, một khi pháo binh khai hỏa không giới hạn sẽ khiến đối phương hứng chịu tổn thất đáng kể.
Đối với Ukraine, việc vô hiệu hóa năng lực pháo binh Nga là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Theo báo Mỹ Insider, pháo binh Nga đã gây ra 70% thương vong cho quân đội Ukraine trong xung đột hiện nay. Đây là tỉ lệ rất đáng kể so với mức 60% trong Thế chiến 1 và Thế chiến 2.
Mặc dù đã sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao như máy bay không người lái (UAV) và pháo phản lực HIMARS để tấn công pháo binh Nga, Kiev vẫn đang bị lép vế.
Tính đến tháng 2/2024, Ukraine ước tính Nga sở hữu 4.780 khẩu pháo và 1.130 bệ phóng tên lửa đa nòng.
Khả năng sản xuất pháo của Nga
Sản lượng pháo của Nga hiện vẫn duy trì ở mức cao nhờ vào việc huy động nền kinh tế chiến tranh. Nga không chỉ sở hữu nhiều pháo hơn Ukraine, mà còn có khả năng bắn tới 10.000 quả đạn mỗi ngày. Ukraine trung bình chỉ bắn khoảng 1.800 quả/ngày do tình trạng thiếu hụt đạn dược. Điều này mang lại lợi thế lớn cho Nga trong các cuộc giao tranh ở tiền tuyến, đặc biệt là vùng Donetsk.
Quá trình sản xuất đạn pháo cỡ 155m tại một nhà máy ở Mỹ. Ảnh: AFP.
Một trong những cách vô hiệu hóa pháo binh đối phương là sử dụng không quân. Nhưng năng lực không quân Ukraine hiện tại vẫn còn rất hạn chế.
Việc phá huỷ các hệ thống pháo của Moscow trên chiến trường vẫn là một thách thức lớn đối với Kiev, Insider cho biết.
Lĩnh vực phương Tây chưa đẩy mạnh trừng phạt
Một nhóm chuyên gia châu Âu và Ukraine đã đưa ra giải pháp thay thế. Đó là ngăn chặn việc sản xuất pháo của Nga ngay từ đầu. Họ đã lập bản đồ chuỗi cung ứng phức tạp duy trì khả năng pháo binh của Nga, từ việc sản xuất đạn dược đến thay thế các nòng pháo bị mài mòn.
Nga hiện tại phụ thuộc vào nhập khẩu công cụ và nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình sản xuất pháo. Trước năm 2022, Nga nhập khẩu các công cụ từ phương Tây, nhưng từ khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, Nga bắt đầu chuyển sang sử dụng máy móc từ các nước khác.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Nga vẫn ưu tiên sử dụng máy móc từ phương Tây do chất lượng cao hơn. Máy móc của phương Tây cũng không hoàn toàn bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng của Nga.
Trong giai đoạn 2023 – 2024, có ít nhất 2.113 công ty nước ngoài đã cung cấp máy móc có nguồn gốc từ phương Tây cho Nga để phục vụ sản xuất pháo, báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết.
Chuỗi cung ứng trong sản xuất pháo Nga
Pháo tự hành bánh lốp 2S43 Malva là khí tài mới được Nga đưa vào chiến trường ở Ukraine.
Các chuyên gia của Viện RUSI và Trung tâm Nguồn Mở (Open Source Center) nói thay vì chỉ tập trung vào ngăn chặn Nga tiếp cận các công nghệ tiên tiến như vi mạch, phương Tây nên nhắm đến chuỗi cung ứng pháo của Nga. Các lệnh trừng phạt cần tập trung vào nguyên liệu thô như quặng crom - thứ được sử dụng trong quá trình sản xuất nòng pháo.
Crom là một nguyên liệu thiết yếu để làm cứng nòng pháo và Nga phải nhập khẩu khoảng 55% lượng crom cần thiết. Nga cũng phụ thuộc vào các quốc gia như Uzbekistan và Kazakhstan để nhập khẩu xenlulo bông - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thuốc nổ.
Một ví dụ điển hình là Khlopkoprom-Tsellyuloza - một công ty Kazakhstan chuyên cung cấp xenlulo bông cho các nhà máy thuốc nổ của Nga - đã giảm mạnh xuất khẩu sau khi đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sản xuất nòng pháo là lĩnh vực khó khăn đòi hỏi các cơ sở sản xuất chuyên môn hóa cao. Cũng giống như ngành sản xuất quốc phòng Mỹ, chỉ có 4 công ty Nga có thể rèn nòng pháo: Zavod ở thành phố Yekaterinburg; Titan-Barrikady ở thành phố Volgograd; MZ/ SKB ở thành phố Perm và Viện nghiên cứu Burevestnik tại thành phố Nizhny Novgorod, theo báo cáo của RUSI. Mỗi công ty đều có chuỗi cung ứng các nhà thầu phụ riêng, chẳng hạn như các nhà máy sản xuất thép đặc biệt.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc thi hành và giám sát các lệnh trừng phạt của phương Tây hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, chưa đủ sức để kiềm chế hoàn toàn năng lực sản xuất pháo của Nga.
Báo cáo của RUSI khuyến cáo phương Tây cần một cách tiếp cận chiến lược hơn, tập trung vào chuỗi cung ứng pháo của Nga thay vì chỉ đơn thuần áp đặt các lệnh trừng phạt rộng khắp. Bằng cách tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu, phương Tây có thể cản trở khả năng duy trì sức mạnh pháo binh của Nga.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng không thể kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ mang lại kết quả tức thì. Lịch sử đã cho thấy các lệnh trừng phạt thường mất nhiều năm mới có thể tạo ra tác động đáng kể, các chuyên gia của Viện RUSI kết luận.
Các nỗ lực của Ukraine nhằm hoàn thành mục tiêu trong cuộc xung đột với Nga đang “vượt khỏi tầm tay”, nữ chỉ huy Ukraine Yulia Mykytenko nói với báo...
Nguồn: [Link nguồn]