Chuyên gia phân tích 4 giai đoạn Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông
Việc ban hành luật an toàn hàng hải nhằm kiểm soát tàu thuyền ra vào Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang ở đầu giai đoạn thứ tư trong chiến lược độc chiếm vùng biển này.
Ngày 1-9 luật an toàn hàng hải sửa đổi của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Theo luật sửa đổi mới, tất cả tàu nước ngoài, kể cả tàu quân sự và tàu thương mại khi đi vào "lãnh hải" của Trung Quốc - một khái niệm mơ hồ do nước này tự ý đặt ra, đều phải khai báo và tuân theo sự giám sát của Bắc Kinh. Điều này được cho là một nước đi mới của Trung Quốc để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông hồi tháng 4-2018. Ảnh: WEIBO
Về vấn đề này, tờ Southeast Asia Insider dẫn các phân tích cụ thể của ông Richard Javad Heydarian - chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị tại ĐH Ateneo De Manila và ĐH De La Salle ở Philippines về chiến lược nhiều giai đoạn của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.
Luật mới chủ yếu nhắm đến Biển Đông Theo ông Heydarian, luật an toàn hàng hải mới ban hành nằm trong chiến lược của Trung Quốc từng chút một dần dần thống trị các vùng biển lân cận - hoặc ít nhất là các khu vực được nằm trong "đường chín đoạn" do Trung Quốc tự ý vẽ ra hòng chiếm trọn Biển Đông. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ mục tiêu này và sẽ tiếp tục chiến thuật cắt lát (salami-slicing). Chiến thuật này được thực hiện thông qua sự kết hợp các biện pháp bán quân sự, tự "hợp pháp hóa" các tuyên bố chủ quyền và cuối cùng là biện pháp quân sự.
Ông nhận định trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có các động thái làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Trung Quốc đang ở đâu trong chiến thuật cắt lát?
Theo ông, chiến thuật cắt lát của Trung Quốc gồm bốn giai đoạn và hiện nước này đang ở giai đoạn thứ tư trong chiến lược "thống trị" Biển Đông.
Giai đoạn đầu, kéo dài từ đầu những năm 1970 đến năm 2013, dùng để phân định ranh giới các khu vực Trung Quốc yêu sách. Tại thời điểm này, Bắc Kinh liên tiếp có các hành động hung hăng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough của Philippines. Giai đoạn thứ hai, bắt đầu vào cuối năm 2013, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình giám sát các hoạt động cải tạo lớn. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn địa chất cũng như tình hình địa chính trị ở các khu vực tranh chấp. Toàn bộ các bãi đá và các nơi có mức thủy triều thấp đã bị biến thành các hòn đảo lớn. Giai đoạn thứ ba, bắt đầu vào khoảng năm 2015, là quá trình quân sự hóa nhanh chóng các hòn đảo nhân tạo này thông qua việc triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến và thiết lập các đường băng dài hàng km có khả năng chứa các máy bay quân sự lớn. Giai đoạn thứ tư, bắt đầu vào khoảng năm 2019, là việc triển khai có hệ thống cũng như trao quyền cho lực lượng tuần duyên và lực lượng bán quân sự của Trung Quốc để vây bắt, đe dọa và nếu cần, sử dụng vũ lực để cưỡng chế các nước đang có tranh chấp ở khu vực.
Một chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng gác trên đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 1-2013. Ảnh: EPA
Trung Quốc ban hành luật hải cảnh hồi tháng 2 cho phép lực lượng tuần duyên nước này nổ súng vào tàu nước ngoài, và luật an toàn hàng hải mới cho thấy Bắc Kinh đang ở đầu giai đoạn thứ tư trong chiến lược bành trướng. Hiện tại, Bắc Kinh dường như vẫn đang đánh giá ưu và khuyết điểm của việc chuyển sang phần cuối cùng của giai đoạn thứ tư. Đó là xây dựng một "vùng xám" của nước này trên toàn bộ khu vực thông qua việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) và kích hoạt mạng lưới căn cứ quân sự rộng khắp ở Biển Đông và hơn thế nữa. Tuy nhiên, ông cho rằng đây rõ ràng là một hành động quá mạo hiểm, có khả năng gây ra xung đột với các cường quốc lớn. Vì vậy Bắc Kinh vẫn đang bám sát "chiến thuật cắt lát" của mình cho đến khi cảm thấy đủ tự tin để "tháo găng tay".
Đề xuất giải pháp kiềm Trung Quốc ở Biển Đông
Hiện Mỹ và các đồng minh đang xem xét các biện pháp khác nhau nhằm để kiềm Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó tập trung vào việc ngăn Bắc Kinh dùng chiêu "vùng xám". Do đó, tần suất hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ đã tăng rõ rệt. Ngoài ra, các nước như Anh và Pháp thời gian gần đây cũng đã tăng cường hợp tác tuần tra với các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật và Úc.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: TWITTER
Việc tăng cường tuần tra FONOP sẽ ngăn việc Trung Quốc gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng đối với một trật tự "tự do và cởi mở" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Tuy nhiên, trước mắt, Mỹ và các cường quốc cùng chí hướng, và cả các quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, có thể phải xem xét các biện pháp quyết đoán hơn.
Điều này có thể bao gồm áp lực ngoại giao, gia tăng các cuộc tập trận chung gần và xung quanh các khu vực tranh chấp, củng cố quân sự trên các đảo có người.
Ông cũng đề xuất các nước tăng cường trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây hấn và bất hợp pháp ở Biển Đông.
Nguồn: [Link nguồn]
Quy định mới yêu cầu tàu bè nước ngoài khai báo khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc cho là lãnh hải của mình không có giá...