Chuyên gia: Ông Putin trước 'áp lực kép'

Sự kiện: Vladimir Putin

Theo giới phân tích, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt áp lực kép từ các đòn phản công của Ukraine cùng việc các đồng minh chủ chốt thể hiện sự dè dặt đối với chiến dịch quân sự của Moscow.

Theo hãng tin AP, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chịu áp lực kép từ các đòn phản công của Ukraine và trên lĩnh vực ngoại giao, trong bối cảnh chiến dịch quân sự ở nước láng giềng đã kéo dài đến tháng thứ 7 và Kiev đã giành lại được nhiều vùng lãnh thổ.

Theo AP, việc Nga lui binh khỏi các khu vực phía đông bắc mà nước này giành quyền kiểm soát từ đầu xung đột, cùng với sự dè dặt hiếm hoi của các đồng minh chủ chốt, đã nhấn mạnh những thách thức mà ông Putin phải đối mặt.

Trên mặt trận ngoại giao

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra tại Uzbekistan vào ngày 16 và 17-9, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc đã nêu lên các lo ngại về cuộc xung đột kéo dài.

“Đây không phải thời đại của những cuộc chiến. Tôi và ngài cũng đã nhiều lần thảo luận vấn đề này thông qua các cuộc điện đàm. Dân chủ, ngoại giao và đối thoại chính là thứ sẽ chạm đến mọi người” - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với ông Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK

Thủ tướng Modi cho biết ông muốn thảo luận về cách Nga và Ấn Độ “có thể tiến lên trên con đường hòa bình”. Ông nói thêm rằng các mối quan tâm lớn nhất mà thế giới phải đối mặt là an ninh lương thực, an ninh nhiên liệu và phân bón chứ không phải chiến tranh.

Ông Modi nhấn mạnh: "Chúng ta phải tìm ra một số lối thoát và Nga cũng phải đóng góp vào điều đó”.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với “lợi ích cốt lõi” của Nga nhưng cũng muốn hai bên hợp tác để “tạo sự ổn định” cho các vấn đề thế giới.

Đây được cho là các bình luận hiếm hoi hai lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ gửi đến Nga liên quan tình hình Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra, cả Bắc Kinh và New Delhi đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga và giữ thái độ trung lập với chiến sự.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 16-9. Ảnh: SPUTNIK

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 16-9. Ảnh: SPUTNIK

Theo AP, các bình luận nói trên đã ít nhiều phủ bóng lên một hội nghị thượng đỉnh mà ông Putin hy vọng sẽ nâng cao vị thế ngoại giao của Moscow trong bối cảnh phương Tây đang ra sức cô lập Nga.

Áp lực từ các đợt phản công của Ukraine

Ngày 17-9, Bộ Quốc phòng Anh dự báo chiến tuyến mới của Nga-Ukraine có khả năng nằm giữa sông Oskil và Svatove, cách TP Kharkiv (tỉnh Kharkiv) khoảng 150 km về phía đông nam.

Hiện các lực lượng Ukraine đang vượt sông Oskil (đoạn thuộc tỉnh Kharkiv) và đặt pháo ở đó, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, hiện các lực lượng Nga không đủ mạnh để ngăn chặn bước tiến của Ukraine dọc theo toàn bộ sông Oskil.

Các phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga bị phá hủy ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: BỘ TỔNG THAM MƯU CÁC LỰC LƯỢNG UKRAINE

Các phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga bị phá hủy ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: BỘ TỔNG THAM MƯU CÁC LỰC LƯỢNG UKRAINE

Trong một diễn biến khác, ngày 16-9, Nga cáo buộc Ukraine không kích có chủ đích vào nhiều TP trên khắp đất nước để triệt hạ các quan chức địa phương đang cộng tác với Moscow, theo hãng thông tấn Itar-Tass.

Cụ thể, Nga cáo buộc Ukraine bắn ít nhất 5 tên lửa HIMARS vào tòa nhà hành chính trung tâm tỉnh Kherson - nơi quân đội Nga kiểm soát kể từ tháng 3. Ở TP Luhansk (tỉnh Luhansk), Moscow cho biết một công tố viên thân Nga và cấp dưới đã thiệt mạng sau khi văn phòng của họ bất ngờ nổ tung.

Ở phía nam, chính quyền ly khai do Nga hậu thuẫn ở TP Berdiansk (tỉnh Zaporizhia) cáo buộc Kiev ám sát ông Oleg Boyko - Phó cơ quan hành chính quân sự do Nga bổ nhiệm và vợ ông. Ông Boyko là người đứng đầu ủy ban bầu cử của TP - cơ quan sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga.

Cũng có các thông tin cho rằng Nga đang cạn vũ khí. Theo thông tin từ quân đội Ukraine, Nga tiếp tục tấn công các TP và làng mạc bằng bằng tên lửa.

Tỉnh trưởng Kharkiv - ông Oleh Syniehubov cáo buộc một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga trong ngày 17-9 đã gây hỏa hoạn ở một khu công nghiệp thuộc tỉnh Kharkiv.

Theo ông Syniehubov, các dấu vết tại hiện trường cho thấy vũ khí được quân Nga sử dụng trong đợt tấn công này là tên lửa đất đối không S-300.

Theo AP, S-300 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không, bao gồm tên lửa hoặc máy bay, chứ không phải nhắm vào các mục tiêu trên mặt đất. Các nhà phân tích cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa cho thấy Moscow sắp cạn một số loại vũ khí có độ chính xác cao.

Ngoài ra, theo các quan chức và nhà phân tích phương Tây, các lực lượng Nga dường như đang thiết lập một tuyến phòng thủ mới ở phía đông bắc của Ukraine sau khi lui binh khỏi nhiều TP chiến lược ở tỉnh Kharkiv.

Tuy nhiên, ngay sau khi rút khỏi TP Izium (tỉnh Kharkiv), quân Nga đã phải đối mặt các cáo buộc làm chết dân thường ở đây.

Ngày 15-9, chính quyền Ukraine cho biết đã họ đã phát hiện một khu mộ tập thể chôn cất hơn 440 thi thể ở Izium và cáo buộc quân Nga đã nhắm vào người dân ở TP này. Phía Nga đến nay chưa đưa ra phản hồi với cáo buộc này.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Putin tuyên bố muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ làm mọi việc có thể để chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Như ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN