Chuyên gia nói về cơ hội của ASEAN từ gói hỗ trợ 150 triệu USD của Mỹ
Hội nghị đặc biệt Mỹ-ASEAN và gói hỗ trợ 150 triệu USD của Mỹ mang lại cho ASEAN những cơ hội gì? Hãy cùng chuyên gia phân tích.
Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN kết thúc tuần rồi với nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng với cả hai bên. Một trong những động thái quan trọng từ Mỹ là hỗ trợ 150 triệu USD cho các sáng kiến của ASEAN.
Quang cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 13-5. Ảnh: REUTERS
Phần nhiều nhất - 60 triệu USD sẽ được phân bổ cho các sáng kiến hàng hải để “thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) tự do và rộng mở”. Số tiền này sẽ cho phép Mỹ hỗ trợ thêm nguồn lực cho khu vực để đào tạo và hợp tác an ninh, hầu hết trong số đó sẽ do Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) lãnh đạo. USCG sẽ triển khai tài sản - bao gồm chuyển giao cho ASEAN thêm tàu tuần duyên - và cử nhân sự bổ sung đến AĐD-TBD để giúp đáp ứng các yêu cầu của đối tác về đào tạo hàng hải và nâng cao năng lực.
40 triệu USD sẽ được phân bổ vào mảng năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Sáu triệu USD sẽ được hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số, củng cố quá trình xây dựng quy định của nền kinh tế số và áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về trí tuệ nhân tạo. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ được cấp 10 triệu USD để chống lại dịch COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở Đông Nam Á.
Hợp tác hàng hải sẽ có diện mạo mới
Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn chuyên gia cấp cao Sharon Seah tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) về các cơ hội và lợi ích với ASEAN xung quanh gói hỗ trợ 150 triệu USD của Mỹ.
Theo chuyên gia Seah, mục đích của Mỹ khi đưa ra gói hỗ trợ an ninh hàng hải trị giá 60 triệu USD là “nhằm tăng cường năng lực an ninh hàng hải của các quốc gia ASEAN trước những hành vi như đánh bắt cá bất hợp pháp thiếu kiểm soát, tăng cường năng lực giải quyết các vấn đề lao động cưỡng bức trong ngành thủy sản và đào tạo thêm cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải”.
Một số sáng kiến này đã được Mỹ thực hiện trong quá khứ và với gói hỗ trợ 60 triệu USD này thì chúng có thể sẽ được tiến hành thường xuyên hơn từ bây giờ.
“Khi đọc kỹ hơn tuyên bố của Nhà Trắng, tôi thấy lý do mà phía Mỹ đưa ra về việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải để hỗ trợ “Tầm nhìn của ASEAN tại khu vực AĐD-TBD” (AOIP) - vốn đề cao các giá trị như rộng mở, minh bạch, bao trùm, và thượng tôn pháp luật - sẽ là điều mà các nước ASEAN chắc chắn có thể đồng ý và thấy hữu ích. Đây cũng là điều mà các Đối tác Đối thoại khác của ASEAN đồng thuận vì đây cũng là mục đích hợp tác giữa tất cả các đối tác của khối này, đó là muốn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ AOIP” - chuyên gia Seah chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM.
Cũng theo chuyên gia Seah, việc Mỹ chủ ý để Lực lượng Tuần duyên Mỹ - chứ không phải Hải quân Mỹ - dẫn đầu hầu hết các sáng kiến hợp tác hàng hải giữa Mỹ với ASEAN là nhằm có thể điều phối tất cả các hoạt động một cách hợp lý và ít mối đe dọa hơn.
Thúc đẩy năng lượng sạch, hạn chế biến đổi khí hậu
Chuyên gia Seah dự đoán gói hỗ trợ 40 triệu USD nhằm thúc đẩy năng lượng sạch sẽ bao gồm các sáng kiến mới như xây dựng các trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu để giúp các quốc gia đáp ứng được những mục tiêu mà họ đề ra trong “Đóng góp quốc gia tự quyết định” (NDC) - là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Bên cạnh đó, khoản tiền 40 triệu USD cũng có thể sẽ tập trung hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu gây ra, tăng cường đối tác đối ngoại giao thông, tăng cường các sáng kiến về trồng và bảo vệ rừng, cũng như giúp một số quốc gia thực hiện các cam kết của họ trong khuôn khổ Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu.
Đáng lưu ý, theo chuyên gia Seah, “đây không nhất thiết là các khoản đầu tư trực tiếp mà thực chất có thể là vốn hạt giống giúp thu hút nhiều nguồn vốn hơn từ khu vực tư nhân vào các lĩnh vực này”.
Phát triển kinh tế kỹ thuật số
Theo bà Seah, các sáng kiến khác của Mỹ đều hướng tới sự tiên tiến và đổi mới trong tương lai, báo hiệu sự sẵn sàng của Mỹ trong việc hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực mới của thương mại kỹ thuật số, tập trung xây dựng quy tắc kinh tế kỹ thuật số phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI).
“Điều này sẽ đem lại lợi ích cho ASEAN vì khối này đang đi theo Lộ trình Bandar Seri Begawan (chương trình nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số nhằm thúc đẩy nền kinh tế) đã được thông qua vào năm ngoái và hiện đang bắt đầu đàm phán Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN vào năm 2025. Hy vọng rằng gói đầu tư của Mỹ sẽ thúc đẩy các nước ASEAN suy nghĩ về việc áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn về nền kinh tế kỹ thuật số để họ có thể tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” - chuyên gia Seah trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM.
Chuyên gia Seah cho rằng tất cả kế hoạch đầu tư này của Mỹ có thể được coi là “một hình thức ngoại giao phòng ngừa giữa ASEAN và Mỹ nhằm đảm bảo tất cả có thể tiếp tục tận hưởng hòa bình và ổn định khu vực trong nhiều thập kỷ tới”.
Ví dụ, nếu ASEAN có một khuôn khổ kinh tế kỹ thuật số chung, khối này sẽ có thể xử lý các tranh chấp thương mại tốt hơn hoặc nếu có thể đẩy nhanh quá trình khử cacbon, bảo vệ rừng, nguồn đầu tư của Mỹ sẽ giúp các nước ASEAN có thể nâng cao năng lực để xử lý vấn đề liên quan đến khí hậu.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia Seah cho rằng việc Mỹ hỗ trợ 150 triệu USD, bổ sung vào khoản hỗ trợ 102 triệu USD đã được Tổng thống Joe Biden công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ năm ngoái, rất đáng hoan nghênh.
Theo bà, tất cả những lĩnh vực mà khoản đầu tư của Washington tập trung vào, bao gồm tăng cường hợp tác hàng hải, thương mại và kinh tế kỹ thuật số, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và khử cacbon, đều đang hoặc sẽ là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN trong những năm tới.
Nâng tầm quan hệ Mỹ-ASEAN?
Nói về quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, chuyên gia Seah cho biết cả hai bên đã trải qua những thăng trầm, tùy theo sự ưu tiên trong chính sách của chính quyền Mỹ tại mỗi thời điểm.
Trước đây, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã không gắn bó với Đông Nam Á như sự hy vọng của các nước ASEAN. Ngược lại, chính quyền ông Biden đã cố gắng đảm bảo sự nhất quán hơn trong quan hệ song phương với các nước trong khu vực bằng nhiều chuyến thăm cấp cao vào năm ngoái. Vì vậy, đây là điều đáng khích lệ.
“Việc Mỹ nỗ lực thu hút sự tham gia của ASEAN ở cấp khu vực là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, điều mà các quốc gia trong khối mong muốn chính là Mỹ sẽ tham gia vào một thỏa thuận thương mại tập thể với chúng ta. Nhiều người hy vọng rằng bằng cách nào đó mong ước này sẽ được lấp đầy một phần nhờ vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) sắp được công bố. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều thấy hứng thú khi tham gia vào khuôn khổ này, với bốn trụ cột bao gồm thương mại công bằng và bền vững; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và khử cacbon; thuế và chống tham nhũng. Một số tiêu chuẩn sẽ được đưa ra dựa vào các trụ cột này có thể không phù hợp đối với một số quốc gia ASEAN” - bà Seah nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với lãnh đạo các nước ASEAN. Ảnh: THE STAR
Đúng theo dự đoán của bà Seah, trong tuyên bố "tầm nhìn chung" sau hội nghị được phát trên trang web Nhà Trắng, Mỹ và ASEAN quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện "có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi" từ tháng 11-2022.
Cả hai bên đã cùng đưa ra Tuyên bố chung Mỹ-ASEAN gồm 28 điểm, đúc kết những gì Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi, làm việc suốt 2 ngày tại Mỹ, hãng Reuters đưa tin.
Ngoài ra, nhằm nhấn mạnh cam kết của chính quyền ông đối với khu vực Thái Bình Dương và các nước ASEAN, Tổng thống Biden thông báo sẽ đề cử ông Yohannes Abraham - Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng - làm đại sứ tại ASEAN.
Ý nghĩa chuyến thăm của Thủ Tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Mỹ và các nước ASEAN, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam về ý nghĩa chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính: PV: Theo ông, ý nghĩa của chuyến thăm của Thủ Tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ sắp tới là như thế nào, trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ đang nồng ấm hơn bao giờ hết? Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ mang nhiều ý nghĩa hơn là việc tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Trước hết, đây là chuyến thăm đầu tiên trong năm 2022 của thủ tướng Chính tới một cường quốc hàng đầu. Ngoài ra, lịch trình làm việc dày đặc của thủ tướng Chính thể hiện mong muốn thắt chặt mối quan hệ Việt-Mỹ tới nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ dừng lại ở khía cạnh chính trị, ngoại giao hay kinh tế. Mối quan hệ Việt-Mỹ đã đi xa hơn nhiều so với chín năm trước đây khi hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Thứ ba, đây cũng là cơ hội để đánh dấu các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau của lãnh đạo hai nước sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam vào năm ngoái. Thứ tư, mối quan hệ song phương cũng cần các chuyến thăm cấp cao để thể hiện sự tái cam kết đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước, sau những sự kiện ở khu vực châu Âu giữa Nga và Ukraine đã làm cho sự tập trung của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á cũng phần nào bị suy suyển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: VNA PV: Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “3 không” trong ngoại giao. Trong bối cảnh Mỹ-Trung đang tiếp tục đối đầu căng thẳng, đồng thời vấn đề Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, theo ông, làm thế nào để Việt Nam không bị vướng vào vòng xoáy đối đầu của các nước lớn mà vẫn đảm bảo được sự ủng hộ hợp lý, chính đáng từ cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia? Trước hết, Việt Nam cần phải tự đứng trên đôi chân của mình, nâng cao năng lực sức mạnh của quốc gia. Nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia không chỉ là tăng cường sức mạnh quân sự, mà còn về sức mạnh kinh tế, công nghệ, công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, cũng như uy tín của quốc gia đó trên chính trường quốc tế. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể chủ động trong các chính sách đối ngoại của mình. Nếu không, quốc gia đó có khuynh hướng rơi vào cái bẫy do các cường quốc giăng ra. Ngoài ra, để tránh rơi vào vòng xoáy đối đầu của các nước lớn, thì các nước có sức mạnh tương tự như Việt Nam thường cần phải tận dụng sức mạnh từ các thể chế đa phương, chẳng hạn như ASEAN cũng như các thể chế chặt chẽ khác để tạo sức mạnh tập thể khiến cho các nước lớn phải suy tính tới hợp tác thay vì đối đầu. Việc duy trì chính sách ủng hộ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng sẽ giúp Việt Nam có được sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế tiến bộ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Những bài học xung đột trên thế giới hiện nay cho Việt Nam thấy rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế hết sức quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. |
Nguồn: [Link nguồn]
Quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ sang một kỷ nguyên mới với việc hai bên quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.