Chuyên gia nhận định ý đồ của Mỹ khi oanh tạc cơ B-1B tập trận gần biên giới Trung - Ấn

Hai oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh B-1B của Mỹ sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối của cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Ấn Độ. Cuộc tập trận diễn ra cách không xa biên giới tranh chấp Trung - Ấn.

Oanh tạc cơ chiến lược B-1B của Mỹ tham gia tập trận cùng các máy bay khác ở Ấn Độ.

Oanh tạc cơ chiến lược B-1B của Mỹ tham gia tập trận cùng các máy bay khác ở Ấn Độ.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ hiện đang tham gia cuộc tập trận quân sự diễn ra cách biên giới Trung Quốc chưa tới 700km.

Hôm 18/4, không quân Ấn Độ đăng ảnh oanh tạc cơ B-1B của Mỹ bay cùng các chiến đấu cơ tham gia tập trận chung. Cuộc tập trận mang tên "Exercise Cope India 23" diễn ra từ ngày 10-24/4. Đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ B-1B tham gia tập trận ở Ấn Độ.

Các nhà quan sát Trung Quốc nhận định, thông qua sự xuất hiện của oanh tạc cơ B-1B, Mỹ đang thúc đẩy Ấn Độ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

"B-1B là oanh tạc cơ chiến lược, ngay cả khi chỉ tham gia tập trận một cách hạn chế vì chi phí vận hành rất cao, mẫu máy bay này cũng có thể chứng minh năng lực tấn công mạnh mẽ và khả  năng tấn công nằm ngoài phạm vi phòng thủ của đối phương", Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói trên tờ SCMP.

"Mục đích của Mỹ khi gửi oanh tạc cơ B-1B tới Ấn Độ là nhấn mạnh quan hệ hợp tác ngày càng gia tăng và củng cố hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chiến lược", ông Song nói.

Theo ông Song, Mỹ muốn gây gián đoạn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. "Điều Trung Quốc có thể lo lắng là mức độ hợp tác quân sự giữa Mỹ - Ấn Độ sẽ trở nên thường xuyên và lâu dài như thế nào,” ông Song nói.

Mỹ từ lâu đã đóng vai trò hỗ trợ Ấn Độ trong căng thẳng biên giới giữa nước này và Trung Quốc. Trong cuộc đụng độ dẫm máu ở biên giới tranh chấp năm 2020, Mỹ đã chia sẻ các thông tin tình báo với Ấn Độ về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng núi. Mỹ cũng cung cấp cho quân đội Ấn Độ các trang thiết bị chuyên dụng sử dụng trong mùa đông.

Oanh tạc cơ B-1B (phía xa bên dưới) tập trận cùng các chiến đấu cơ của Ấn Độ.

Oanh tạc cơ B-1B (phía xa bên dưới) tập trận cùng các chiến đấu cơ của Ấn Độ.

Năm ngoái, nhờ thông tin do Mỹ cung cấp, Ấn Độ được cho là đã "đẩy lùi" một nỗ lực mới của Trung Quốc ở vùng biên giới tranh chấp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, New Delhi vẫn sẽ theo đuổi lập trường cân bằng, thay vì quay sang đối đầu với Bắc Kinh.

"Trung Quốc và Ấn Độ đều đang không ngừng phát triển và có những mục tiêu riêng. Xu hướng này đang thúc đẩy cả hai nước đi theo hướng tương đối cứng rắn và không khoan nhượng”, Zhang Jiadong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nhận định.

“Nhưng mục tiêu chính của cả hai nước vẫn là phát triển kinh tế chứ không phải xung đột địa chính trị, nên khó có khả năng Ấn Độ tích cực hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác để giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc", ông Zhang nói.

Ngoài ra, Ấn Độ còn là thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm BRICS - hai tổ chức toàn cầu quan trọng, trong đó có Nga và Trung Quốc là hai trong số các nước thành viên.

 "Ấn Độ muốn thúc đẩy hợp tác với càng nhiều quốc gia càng tốt. Ấn Độ cũng hướng tới một sự hợp tác bình đẳng hơn với Mỹ thay vì chọn phe ở châu Á", ông Zhang đưa ra nhận định trên tờ SCMP.

Nguồn: [Link nguồn]

Tư lệnh không quân Mỹ tham gia lái chiến đấu cơ Su-30MKI do Nga sản xuất

Truyền thông Ấn Độ ngày 12/4 đăng tải bức ảnh hiếm, cho thấy một tư lệnh không quân Mỹ ngồi trong buồng lái chiến đấu cơ có nguồn gốc từ Nga cùng với một phi công Ấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH AN - SCMP ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN