Chuyên gia: 'Mỹ nên cho tàu tư nhân bắt tàu Trung Quốc'

Nhận định trên được hai chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ trong bối cảnh nước này và Trung Quốc tiếp tục đối đầu căng thẳng ở biển Đông.

Tờ South China Morning Post ngày 10-4 đưa tin hai bài viết mới đây đăng trên chuyên san Proceedings của Học Viện Hải quân Mỹ (USNI) đã đề xuất Washington cấp giấy ủy quyền cho các tàu tư nhân tấn công, bắt giữ hoặc tiêu diệt tàu thương mại của đối thủ.

Các tác giả của hai bài viết này là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) Mark Cancian và ông Brandon Schwartz - cựu Giám đốc Truyền thông CSIS. 

Theo hai chuyên gia này, chiến lược dùng tàu tư nhân vừa “hợp pháp và tốn chi phí thấp” lại giúp kiềm chế hiệu quả việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển thay vì kích động dẫn đến chiến tranh toàn diện.

Một tàu chở hàng của tập đoàn thương thương mại Trung Quốc Alibaba (Ảnh chụp hồi tháng 11-2018).

Một tàu chở hàng của tập đoàn thương thương mại Trung Quốc Alibaba (Ảnh chụp hồi tháng 11-2018).

Hai ông nhận định đội tàu thương mại là điểm yếu của Trung Quốc và nếu chúng bị tấn công sẽ làm suy yếu toàn bộ nền kinh tế và đe dọa sự ổn định của nước này.

Được biết, chiến lược trên đã từng có tiền lệ trong lịch sử. Cụ thể, từ giữa thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 18, tàu tư nhân được một số chính quyền phương Tây nâng cấp thành tàu chiến.

Tuy nhiên, việc làm này sau đó bị một loạt các hiệp ước quốc tế khác nhau ra đời vào giữa thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 không công nhận. 

Điểm đáng chú ý là Washington chưa chính thức ký kết bất kỳ hiệp ước nào nói trên. Đồng thời, Hiến pháp Mỹ cũng có điều khoản cho phép cho Quốc hội trao quyền cho tàu tư nhân bắt giữ tàu thương mại của đối thủ. 

“Mỹ chưa ban hành bất kỳ giấy ủy quyền bắt giữ nào cho tàu tư nhân kể từ năm 1907 vì lý do chiến lược và điều kiện chính sách lúc bấy giờ chứ không phải xem đây là điều bất hợp pháp”, hai ông Cancian và Schwartz khẳng định. 

Vào giai đoạn 2007-2009, nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Paul cũng từng đề xuất sử dụng tàu tư nhân chống lại trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden và cướp biển Somalia. 

Dù vậy, hai bài viết không nêu rõ liệu những tàu thương mại chở hàng hóa trị giá hàng ngàn tỉ USD từ Trung Quốc qua Mỹ có nên được miễn trừ khỏi các cuộc tấn công từ các tàu tư nhân hay không.

Tuy nhiên, Washington nhiều khả năng sẽ không miễn trừ giữa lúc sự phân ly kinh tế giữa nước này và Trung Quốc đang lớn dần - hậu quả của chiến tranh thương mại.

Theo nhà bình luận quân sự Hong Kong Song Zhongping, việc cổ súy sự phân ly kinh tế như cách mà giới lãnh đạo bảo thủ của Mỹ đang làm hiện nay sẽ đẩy nước này vào nguy cơ đối đầu trực diện, thậm chí là xung đột với Trung Quốc.

“Khi người Mỹ đã quyết định hành động cứng rắn chống lại cái gọi là đối thủ hoặc kẻ thù thì họ sẽ không hạn chế hay loại trừ bất kỳ biện pháp nào”, ông Song khẳng định. 

Một số chuyên gia cũng chỉ trích ý tưởng và cách giải thích của hai chuyên gia Mark Cancian và Brandon Schwartz không đúng với luật pháp quốc tế.

Cụ thể, GS Julia Xue - Trưởng bộ môn Luật Quốc tế tại ĐH Giao thông Hàng hải (Trung Quốc) khẳng định hai tác giả người Mỹ đã diễn giải sai luật pháp quốc tế. Ngoài ra, những vấn đề mà hai ông đề cập thuộc về phạm trù tập quán quốc tế mà cả nước Mỹ cũng bị ràng buộc. 

Trong khi đó, TS Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng đây là một ý tưởng sai lầm về mặt chính trị.

“Chiến lược dùng tàu tư nhân là một hành động khiêu khích châm ngòi cho sự trả đũa từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hành vi này thậm chí còn có thể được xem là cố ý sử dụng vũ lực và sẽ khiến Mỹ bị cả cộng đồng quốc tế lên án”, ông Koh tuyên bố.

Cũng vì lý do này, chuyên gia trên nhận định Washington khó có khả năng xem xét nghiêm túc một đề xuất như vậy và những bài viết dạng này chỉ nên được xem là ý kiến chủ quan của một số nhà nghiên cứu có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

"Dù vậy, (các bài viết như vậy - PV) cho thấy đúng là sự chia rẽ đang lớn dần giữa Mỹ và Trung Quốc, quan hệ hai nước đang đi xuống vì mất niềm tin lẫn nhau", ông Koh khẳng định.

Nguồn: [Link nguồn]

Indonesia quyết liệt, nhóm tàu Trung Quốc chấp nhận rút

Hàng chục tàu Trung Quốc vào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna trong nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN