Chuyên gia lý giải vì sao Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam
Mỹ và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sau chuyến thăm Singapore, hôm nay (24-8), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ đến Việt Nam. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM - giảng viên thỉnh giảng ĐH Fulbright, nhận xét so với thời ông Trump, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden có cách tiếp cận Việt Nam toàn diện hơn.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS
Vì sao bà Harris thăm Việt Nam?
. Hôm nay, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ đến Việt Nam. Sự kiện này khiến ông suy nghĩ như thế nào về quan hệ Việt - Mỹ?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Mối quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian qua vẫn tiến triển tốt đẹp, mặc dù có sự thay đổi về chính quyền Mỹ, cũng như có các yếu tố ngoại cảnh tác động như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực hay đại dịch COVID-19. Sự nồng ấm của mối quan hệ song phương không chỉ được thể hiện bằng các chuyến thăm cấp cao gần đây, mà còn là thực chất của mảng quan hệ giữa hai nước như hợp tác chống dịch COVID-19, y tế dự phòng, kinh tế thương mại, quốc phòng - an ninh, giáo dục.
Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna và nhiều thiết bị kỹ thuật, y tế cũng như tài chính để chống dịch COVID-19. Mỹ sẽ khai trương Văn phòng Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội là văn phòng chính cho toàn khu vực Đông Nam Á. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở hai chữ số. Điều này giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, năm nay, Mỹ cũng đã bàn giao tặng tàu cảnh sát biển thứ hai cho Việt Nam trong nỗ lực hợp tác thúc đẩy nhận thức hàng hải ở khu vực Biển Đông giữa hai nước.
Chuyến thăm của bà Harris nhằm tái xác nhận vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt - Mỹ. Hai quốc gia ngày càng có nhiều lợi ích song trùng và có nhiều quan điểm chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việt Nam hiện trở thành một đối tác chính của Mỹ trong việc ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực.
Ông Biden tiếp cận Việt Nam toàn diện hơn
. Còn quá sớm để đánh giá quan hệ Việt - Mỹ khi ông Biden mới chỉ bắt đầu nhiệm kỳ chưa lâu nhưng ông nhận định như thế nào về chính sách Mỹ với Việt Nam thời gian tới?
+ Cách tiếp cận chính sách của Tổng thống Biden đối với Việt Nam nói theo một cách nào đó thì toàn diện hơn dưới thời tổng thống Trump. Tổng thống Biden nhìn vấn đề thương mại với Việt Nam theo hướng hợp tác, có lợi cho cả Việt Nam và Mỹ và giải quyết ổn thỏa các cáo buộc Việt Nam về thao túng tiền tệ vốn được đặt ra dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Cách nhìn về quan hệ thương mại của chính quyền Trump đối với Việt Nam theo góc nhìn của những người theo chủ nghĩa trọng thương, trò chơi có tổng bằng không rằng Việt Nam có lợi nhiều hơn Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ nêu ra nhiều hơn vấn đề quyền con người. Nói chung, chính quyền Tổng thống Biden đang tiếp cận Việt Nam với nhiều thiện chí, thể hiện hình ảnh một nước Mỹ tốt đẹp giúp Việt Nam chống dịch COVID-19 và phục hồi sau dịch; Mỹ là nước cung cấp hàng hóa công đáng tin cậy bao gồm các hỗ trợ y tế, phục hồi kinh tế, duy trì hòa bình cho cộng đồng quốc tế.
Vai trò của Mỹ đối với Việt Nam
. Mỹ xem Việt Nam là một đối tác rất quan trọng ở khu vực, còn về phía Việt Nam thì Mỹ đóng vai trò như thế nào trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng…?
+ Mỹ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam khá khiêm tốn so với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hay Đài Loan nhưng vốn của Mỹ vào Việt Nam thông qua các ngành công nghệ cao như Công ty Intel Việt Nam. Ngoài ra, nhiều công ty Mỹ không đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhưng họ đi qua một công ty con hay thầu phụ gia công cho sản phẩm của họ ở Singapore, Hong Kong hay Đài Loan. Do đó, thực chất vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn trên các con số báo cáo. Thị trường tiêu dùng Mỹ, công nghệ và vốn từ Mỹ đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và cả trong những năm sắp tới.
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Biden muốn tìm kiếm các giải pháp dài hạn để tránh tình trạng thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung cứng khi họ không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Trong thời gian gần đây, khi các công ty chuyển dịch đầu tư sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam đang tận dụng sự chuyển dịch này để đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi do Mỹ đề xướng. Vấn đề bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng đặt ra càng cấp thiết khi đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp xe hơi, công nghệ chế tạo và hàng tiêu dùng trên thế giới.
Ngoài ra, Mỹ đang muốn thúc đẩy một mạng lưới đa phương với sự tham gia của cả các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Biden muốn nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương và tái tập trung vào mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu của mình, thay vì chủ nghĩa biệt lập và “nước Mỹ trên hết” như dưới thời Tổng thống Trump. Điều này sẽ giúp trấn an và làm nhẹ nhõm các quốc gia khác hay bị Trung Quốc chèn ép. Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc Mỹ lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Tiềm năng trong tương lai
. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác song phương trong tương lai?
+ Hai quốc gia vẫn còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng, kinh tế - thương mại và an ninh. Do xuất phát điểm thấp trong hệ thống y tế công cộng nên Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ hợp tác với phía Mỹ trong việc nâng cao năng lực y tế và phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và CDC của Mỹ thường xuyên giúp đỡ nhân lực, tài chính và các thiết bị kỹ thuật y tế cho phía Việt Nam, cũng như hỗ trợ vaccine từ chính quyền Mỹ.
Lĩnh vực kinh tế - thương mại vẫn còn nhiều dư địa phát triển khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong ngành chế biến chế tạo và giai cấp trung lưu cũng tăng mạnh trong tổng số dân gần 100 triệu là những đặc trưng cho một thị trường lớn cho hàng hóa từ Mỹ, bao gồm tư liệu sản xuất đầu vào cũng như hàng tiêu dùng. Còn Việt Nam nhìn Mỹ như là thị trường xuất khẩu lớn nhất liên tục trong nhiều năm qua và là nguồn động lực cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Lĩnh vực an ninh mặc dù có nhiều cải thiện trong thời gian qua nhưng đây là khía cạnh mà hai nước có thể thúc đẩy mạnh hơn trong thời gian sắp tới. Khi chúng ta nhìn vào khuynh hướng của chính sách đối ngoại Trung Quốc từ năm 2012 đến nay cho thấy quốc gia này ngày càng thực thi nhiều chính sách mạnh bạo ở Biển Đông và gây mất ổn định ở khu vực này. Việt Nam và Mỹ nên đẩy mạnh hợp tác an ninh, trở thành các đối tác quan trọng để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai.
Mặc dù hai nước đã đi được một chặng đường dài so với trước đây nhưng trước mắt vẫn còn nhiều thách thức. Ví dụ, các vấn đề quốc tế ngoại cảnh tác động như đại dịch COVID-19, sự phân tâm của Mỹ tới các vấn đề khác nhau trên thế giới cũng như vai trò của Trung Quốc.
. Xin cám ơn ông.
Nâng cấp quan hệ song phương: Cần thời điểm thích hợp Trong các cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề nghị hai nước nên nghiên cứu, nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược trong tương lai. Theo tôi, việc nâng tầm quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược là điều nên làm đối với quan hệ Việt - Mỹ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc này nên diễn ra vào một thời điểm thích hợp khi hai bên có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này. Việc nâng tầm chiến lược không chỉ đến từ tên gọi mà còn phải đi vào thực chất về nâng tầm quan hệ khi hai bên đã có niềm tin chiến lược với nhau. Niềm tin chiến lược được coi là chìa khóa cho các mối quan hệ sâu sắc hơn khi hai bên thật sự coi nhau là bạn tốt. Nếu xét theo các lĩnh vực quan hệ thì hiện nay tôi thấy hai nước vẫn chưa phát triển đồng đều ở các mảng hợp tác. Có mảng thì phát triển rất tốt như kinh tế, thương mại hay y tế dự phòng nhưng lĩnh vực an ninh còn nhiều thận trọng, dù có nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Do đó, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác, cũng như vạch ra các kế hoạch chi tiết cho việc nâng tầm quan hệ. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ Việt - Mỹ có thể đi xa tới đâu chủ yếu xuất phát từ nỗ lực của chính quyền hai bên và niềm tin hai bên dành cho nhau. TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) - giảng viên thỉnh giảng ĐH Fulbright |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao: "Việt Nam không liên kết nước này chống nước khác." Chiều 19-8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết chương trình chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam đang được các cơ quan liên quan của Việt Nam và Mỹ tích cực thu xếp. Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hoạt động trao đổi đoàn các cấp hai nước đều nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Trước đó (5-8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và trao đổi đoàn. Chúng tôi hoan nghênh lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Mỹ, đến thăm Việt Nam.” Trả lời báo chí về quan điểm ngoại giao của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Việt Nam không đi với nước này để chống lại nước khác… |
Những chuyến thăm nối tiếp nhau của các quan chức cấp cao Mỹ cho thấy Washington đang coi trọng và rất đầu tư vào mối...
Nguồn: [Link nguồn]