Chuyên gia: Khủng hoảng Sri Lanka tác động đáng kể tới Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Sri Lanka sẽ có ảnh hướng đáng kể tới mối quan hệ với Trung Quốc trong ngắn hạn và là bài học cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư Trung Quốc, giới quan sát nhận định, theo SCMP.
Người biểu tình tràn vào dinh tổng thống Sri Lanka hôm 11.7.
Hôm 11.7, một ngày sau khi hàng chục ngàn người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và phủ thủ tướng ở Colombo, Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa xác nhận sẽ từ chức.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người tuyên bố Sri Lanka “vỡ nợ” vào tuần trước, cũng xác nhận sẽ từ chức.
Văn phòng thủ tướng Sri Lanka ngày 11.7 ra tuyên bố cho biết, nội các sẽ bàn giao nhiệm vụ cho chính phủ mới có sự tham gia của tất cả các đảng phái.
Tình trạng hỗn loạn chính trị mới nhất diễn ra sau nhiều tháng người dân Sri Lanka biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng tài chính và đây sẽ là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ của Trung Quốc với đảo quốc này, theo Lin Minwang, một chuyên gia về Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải.
Gia tộc Rajapaksa đã thống trị chính trường Sri Lanka trong gần hai thập kỷ qua, được coi là có mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh.
Khi Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống Gotabaya, nắm quyền giai đoạn 2005 – 2015, Sri Lanka đã ký một loạt thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc, bao gồm cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để trừ nợ.
“Trong ngắn hạn, quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka sẽ đối mặt ảnh hưởng lớn vì sự suy giảm ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa. Gia tộc này có thể sẽ không quay trở lại vũ đài chính trị trong tương lai gần”, Lin nói.
Theo ông Lin, cuộc khủng hoảng do lạm phát tăng vọt, nợ kỷ lục và quản lý kinh tế yếu kém, cũng là một "lời cảnh tỉnh" đối với các nhà đầu tư Trung Quốc vốn ưu tiên tìm đến các quốc gia đang phát triển với nhiều bất ổn như Sri Lanka.
“Tôi sẽ không gọi đây là bài học nhưng là một lời nhắc nhở rằng, cần xem xét đến năng lực quản trị địa phương khi thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là khi môi trường quốc tế nói chung không tốt và tỷ lệ nợ của các nước ở Nam Á nhìn chung rất cao”, ông Lin nói thêm. “Các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Sri Lanka ít nhiều sẽ bị lỗ”.
Có những tin đồn rằng lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa có thể trở thành Thủ tướng Sri Lanka, nếu nhận được sự ủng hộ áp đảo từ Quốc hội. Điều này càng tạo thêm sự bất định với Trung Quốc, vì ông Premadasa chủ trương thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản.
Nhưng Liu Zongyi, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói Bắc Kinh duy trì quan hệ tốt với “tất cả các đảng phái ở Sri Lanka, không chỉ gia tộc Rajapaksa”.
“Trung Quốc không nghiêng về một phe cụ thể nào ở Sri Lanka”, ông Liu nói, nghĩa là vẫn còn khả năng Trung Quốc có thể bù đắp những mất mát do cuộc khủng hoảng ở quốc gia Nam Á này.
Kể từ khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, Sri Lanka ngày càng phụ thuộc vào Ấn Độ trong các hoạt động cung cấp nhiên liệu và vật tư y tế. Ấn Độ gần đây đã mở rộng hạn mức tín dụng cho Sri Lanka thêm 3 tỉ USD.
Về lâu dài, Trung Quốc vẫn có cơ hội là nhà đầu tư quan trọng ở đảo quốc vì có tiềm lực cho vay rất lớn, ông Lin đến từ Đại học Phúc Đán nhận định.
Sri Lanka là đảo quốc nằm ở Ấn Độ Dương, có vị thế chiến lược trong giao thương quốc tế. Quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào doanh thu từ du lịch, nhưng ngành du lịch Sri Lanka bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.
Khủng hoảng càng trầm trọng vào đầu năm nay do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nga là thị trường tiêu thụ chè lớn thứ ba của Sri Lanka. Nhưng nước này không thể thanh toán hợp đồng với Sri Lanka vì bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trung Quốc và Nhật Bản đang là hai chủ nợ lớn nhất. Mỗi nước nắm giữ khoảng 10% nợ nước ngoài của Sri Lanka.
Người biểu tình ở thủ đô Colombo của Sri Lanka cho hay, họ chưa có ý định rời khỏi dinh Tổng thống.
Nguồn: [Link nguồn]