Chuyên gia hé lộ ý định của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông
Theo một chuyên gia người Hàn Quốc, thể thao luôn là một vấn đề chính trị đối với Triều Tiên, và việc họ đưa phái đoàn tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 chứng tỏ đây không phải ngoại lệ.
Đoàn đại biểu Triều Tiên đến Hàn Quốc dự Olympic. Ảnh: AFP/Getty
BBC dẫn lời Tiến sĩ Lee Jung Woo, giảng viên chính sách thể thao tại Đại học Edinburgh (Scotland), cho biết, Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 đang diễn ra, và mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang chiếm sóng hầu như toàn bộ sự kiện thể thao.
Theo ông Lee, đây là một thắng lợi cho Bình Nhưỡng. Ông bình luận, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sử dụng thể thao như một công cụ tuyên truyền tích cực hơn cha và ông nội, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông tận dụng thông điệp năm mới để tăng triển vọng tham dự Olympic ở Hàn Quốc.
Vị chuyên gia khẳng định, đây chắc chắn là một tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang về cả chính trị và quân sự trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên ông Lee lưu ý, điều này không có nghĩa cử chỉ dường như hoà bình này là hoàn toàn miễn phí.
“Bằng cách đàm phán với Hàn Quốc và Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), Triều Tiên đã có những gì họ muốn”, ông Lee nhận xét.
Theo đó, ban đầu chỉ có hai vận động viên của Triều Tiên đủ điều kiện tham dự cuộc thi về thành tích thể thao - cặp đôi trượt băng Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik – nhưng cặp đôi đã bỏ lỡ hạn đăng ký.
Tuy nhiên, sau loạt cuộc họp sắp xếp vội vã, hai miền Bán đảo Triều Tiên cuối cùng thống nhất cùng nhau diễu hành, mang cờ thống nhất và lập ra đội khúc côn cầu trên băng nữ bao gồm thành viên của hai nước.
Không chỉ vậy, từ 2 người, Triều Tiên có 22 vận động viên đến tham dự thế vận hội. Đoàn đại biểu của Triều Tiên cũng được đánh giá là có số lượng “khủng” nhất từng có đến Hàn Quốc.
Cặp đôi trượt băng Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik. Ảnh: AFP
Tiến sĩ Lee Jung Woo nhấn mạnh, các vận động viên này là chìa khoá cho cuộc tấn công tuyên truyền của chính quyền Kim Jong-un. Khi họ chiến thắng tại các sự kiện quốc tế, họ tận dụng cơ hội để ca ngợi “vị lãnh đạo thân yêu”. Chưa kể, hình ảnh của họ sẽ được các phương tiện truyền thông nhà nước truyền tải đến những người ở quê nhà, khơi dậy lòng tự hào dân tộc…
Tuy vậy, ông Lee nhận định, Triều Tiên tham dự vào Olympic mùa đông không chỉ là một sáng kiến tuyên truyền. Sự kiện thể thao cũng có chức năng như một điểm tiếp xúc ban đầu giữa hai bên, đồng nghĩa với việc họ mở lại một kênh ngoại giao giữa hai miền bán đảo sau gần 2 năm gián đoạn.
“Sự hợp tác và trình diễn sự thống nhất của họ tại thế vận hội có thể mở đường cho các cuộc trao đổi văn hoá và nhân đạo tiếp theo giữa hai bên”, BBC dẫn lời ông Lee.
Hôm thứ Tư (7/2), Triều Tiên thông báo Kim Yo-jong, một quan chức chính trị cao cấp và là em gái của Kim Jong-un, sẽ tham dự lễ khai mạc. Nếu bà Kim đến như thông báo, đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên đến Hàn Quốc của một thành viên gia đình cầm quyền Triều Tiên kể từ khi bán đảo bị chia cắt.
Việc phái đoàn cấp cao từ Bình Nhưỡng đến Pyeongchang có thể hiểu rằng, Triều Tiên muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
“Kim Jong-un có thể sử dụng thế vận hội mùa đông này như một chương trình tuyên truyền để duy trì chế độ, nhưng đồng thời Olympic Pyeongchang 2018 cung cấp một sáng kiến độc đáo cho cả hai bên để cải thiện quan hệ”, ông Lee kết luận.
Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Triều Tiên trình diễn ở Hàn Quốc kể từ tháng 8/2002.