Chuyên gia: Cơ trưởng MH370 lái máy bay tự sát tập thể ở Ấn Độ Dương
Thảm kịch MH370 được coi là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại và một chuyên gia cho rằng đã biết điều gì xảy ra với chiếc máy bay mất tích.
Chuyên gia nói biết chuyện gì xảy ra với máy bay MH370 mất tích.
Chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mất tích vào ngày 8.3.2014 với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Kể từ đó, Malaysia, Úc và Trung Quốc đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm được manh mối có thể dẫn đến chiếc máy bay MH370 mất tích.
Mới đây nhất, một nhóm chuyên gia hàng không mới đây đã đưa ra những lập luận về số phận của máy bay MH370 trong chương trình 60 Minutes.
Họ tin rằng đã tìm ra lời giải đáp cuối cùng cho vụ mất tích bí ẩn nhất lịch sử hàng không thế giới. Đó là khả năng khi công có thể đã lái máy bay MH370 lao xuống biển, sau khi lên kế hoạch kỹ lưỡng để qua mặt các hệ thống radar.
Larry Vance, một nhà điều tra từng làm việc cho Ủy ban an toàn giao thông Canada, nói phi công MH370 đã chủ ý tự sát tập thể và đưa máy bay đến một nơi xa xôi nhất có thể. "Anh ta đã điều khiển máy bay đến một nơi đã định trước và mất khoảng 6 tiếng đồng hồ để bay tới đó",
Vance tin rằng phần lớn máy bay vẫn còn nguyên vẹn, thay vì đã nổ tan tành thành nhiều mảnh.
Simon Hardy, phi công và cũng là hướng dẫn viên kỳ cựu của hãng Boeing cho rằng cơ trưởng Zaharie Amad Shah đã có chủ ý tự sát tập thể. Chuyên gia này cho rằng, Zaharie Amad Shah đã cố ý điều khiển máy bay qua không phận bang Penang, Malaysia) để từ biệt quê nhà trước khi lái máy bay lao xuống nam Ấn Độ Dương.
Zaharie Amad Shah tin rằng đó là nơi không ai có thể tìm thấy máy bay mất tích, phi công kỳ cựu Simon Hardy nói. Trả lời trong chương trình 60 Minutes, Hardy nói mình đưa ra kết luận này sau khi dựng lại lộ trình bay của MH370 thông qua radar quân sự.
Zaharie đã qua mặt hệ thống radar quân sự của Thái Lan và Malaysia bằng cách điều khiển MH370 bay dọc biên giới giữa hai nước và bất ngờ tắt hệ thống tín hiệu định vị, Hardy nhận định.
"Khi vượt qua biên giới giữa không phận Thái Lan và Malaysia, máy bay bay dọc biên giới và bất ngờ tắt định vị. Do vậy kiểm soát không lưu cả hai bên lúc đó đều không để ý đến chiếc máy bay bởi MH370 đã không còn trong không phận do mình kiểm soát nữa".
“Nếu muốn một chiếc Boeing 777 mất tích thì tôi cũng sẽ làm điều tương tự”, Hardy nói. “Tôi nghĩ rằng phi công đã thành công vì không có máy bay quân sự nào cất cánh ngăn chặn”.
Cuộc điều tra thảm kịch MH370 mới được khôi phục vào đầu năm nay, với sự tham gia của công ty hàng hải Ocean Infinity của Mỹ. Công ty này từng gây chú ý với tuyên bố “nếu không tìm thấy MH370 sẽ không lấy tiền”.
Cuộc tìm kiếm mới nhất dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 6, sau khi tàu tìm kiếm lùng sục phạm vi rộng 25.000km2.
Có 3 manh mối quan trọng có thể giúp các nhà điều tra xác định vị trí máy bay MH370 mất tích, một chuyên gia cho biết.