Chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ: Trừng phạt không làm khó được Nga về Ukraine

Chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ nhận định "các biện pháp trừng phạt chưa từng có" mà Mỹ đe dọa gần như sẽ không đủ hiệu quả trong việc ngăn Nga đưa quân vào Ukraine.

Tình báo Mỹ cho biết Nga đã chuẩn bị cho khả năng đưa quân vào Ukraine bằng cách triển khai hàng chục nghìn quân dọc biên giới và tiến hành nhiều hoạt động gây hấn khác.

Có thể hình dung mức độ căng thẳng của vấn đề Ukraine khi đây là chủ đề chính mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn tới trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 7-12.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Ông Biden cảnh báo ông Putin kiềm chế không mạnh tay với Ukraine nếu không sẽ phải chịu các hậu quả về "kinh tế, an ninh". Bên cạnh đó, Mỹ cũng đe dọa áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn và “tác động mạnh” tới Nga nếu Moscow đưa quân vào Ukraine.

Các biện pháp mới Mỹ đưa ra sẽ tiếp nối một loạt biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga trước đây nhằm đáp trả các hoạt động tội phạm mạng của nước này, việc Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên kênh Channel News Asia dẫn nhận định của học giả David Cortright - một nhà hoạt động hòa bình, Giám đốc Nghiên cứu Chính sách tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Kroc thuộc ĐH Notre Dame (Mỹ) - các động thái trừng phạt của Mỹ sẽ không ngăn chặn được Nga.

Theo ông Cortright, các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ hiện đang có một số vấn đề nghiêm trọng.

Trừng phạt đơn phương hiếm khi có tác dụng

Chưa rõ Mỹ có thể tung ra các biện pháp trừng phạt mới nào, nhưng thông tin ban đầu cho thấy Mỹ có thể nhắm mục tiêu vào hệ thống tài chính của Nga, bao gồm các ngân hàng lớn nhất nước Nga và nhắm vào hoạt động chuyển đổi đồng Rúp (đơn vị tiền tệ của Nga) thành đồng USD. Các biện pháp trừng phạt này sẽ giáng đòn lên nền kinh tế của Nga và các đồng minh của Tổng thống Putin.

Để những biện pháp trừng phạt này (hoặc tương tự) có hiệu lực, Mỹ sẽ phải cần đến các đồng minh của mình. Các biện pháp trước đây Mỹ áp đặt lên Nga thường là đơn phương và không có sự ủng hộ hoặc tham gia của các quốc gia lớn khác hay của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Ông Cortright nhận định các biện pháp trừng phạt đơn phương như vậy hiếm khi thành công. Trong nền kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa, các biện pháp trừng phạt đơn phương phải đối mặt với những trở ngại rất lớn - ngay cả khi chính Mỹ áp đặt.

Một nghiên cứu do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson công bố năm 1997 cho thấy các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chỉ đạt được 13% mục tiêu chính sách đối ngoại của họ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy trừng phạt đa phương có hiệu quả hơn trừng phạt đơn phương. 

Rất ít trường hợp các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ có hiệu quả đối với các nước khác. Các nước bị tác động đa phần đều là các nền kinh tế có quan hệ thương mại rộng với Washington, và rõ ràng Nga không nằm trong số này.

Nga đứng ở vị trí khá thấp trong danh sách các đối tác thương mại của Mỹ, và các lệnh trừng phạt trước đây Mỹ nhắm vào Moscow đã khiến quan hệ thương mại song phương suy giảm hơn nữa. Nga không phụ thuộc vào thương mại của Mỹ và do đó khó có khả năng chịu áp lực kinh tế từ Mỹ. 

Hơn nữa, khi một quốc gia phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, quốc gia đó có thể tìm kiếm các mối quan hệ thương mại ở nơi khác. Trong những năm gần đây, Nga đang tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác năng lượng với Trung Quốc, điều này sẽ càng giúp nước này ít bị áp lực kinh tế từ Mỹ hơn.

Có thông tin cho rằng các đồng minh châu Âu đã bị các đánh giá của tình báo Mỹ thuyết phục rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên chuyện các thành viên Liên minh châu Âu (EU) có đồng ý đi cùng Mỹ hay không lại là một vấn đề khác.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU, và khối này cũng là đối tác lớn nhất của Nga. Các mối quan hệ thương mại sâu rộng của Moscow với các quốc gia trong EU sẽ giúp Moscow giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt không có sự hỗ trợ và hợp tác đầy đủ của châu Âu.

Nga cung cấp cho châu Âu phần lớn khí đốt tự nhiên, điều này đảm bảo Moscow có khả năng tiếp cận thương mại và nguồn thu bất chấp các biện pháp của Mỹ.

Đức và các nước châu Âu khác có bày tỏ quan ngại về hoạt động của Nga trong vấn đề Ukraine, và EU đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt lên Nga sau khi Moscow sáp nhập Crimea. Song trong những năm gần đây, EU lại chuyển sang ủng hộ các chiến lược ngoại giao hơn là trừng phạt kinh tế để quyết định tương lai của Ukraine.

Nên kết hợp trừng phạt với thương lượng ngoại giao

Nghiên cứu của ông Dortright và ông George Lopez - chuyên gia về trừng phạt kinh tế tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Kroc - cho thấy các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu quả cao nhất khi có sự kết hợp giữa hình phạt và thương lượng ngoại giao để khuyến khích quốc gia đó tuân thủ lệnh trừng phạt. Việc đưa ra điều kiện dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể là một con bài thương lượng hiệu quả để thuyết phục quốc gia bị trừng phạt thay đổi chính sách.

Đơn cử trường hợp của Hiệp định Dayton năm 1995. Điều kiện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là động cơ thúc đẩy Serbia chấm dứt các chính sách chống lại Bosnia và chấp nhận một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột kéo dài giữa hai bên.

Đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và mở cửa quan hệ ngoại giao và thương mại cũng đã mang lại thành công trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi khiến chính phủ Libya ngừng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế và từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo đánh giá của ông Dortright và ông Lopez.

Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt và đưa ra điều kiện dỡ bỏ cũng đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Theo đó, nếu Iran tuân thủ các yêu cầu hạn chế chương trình hạt nhân của mình và chấp nhận các cuộc thanh tra thì các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ.

Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã xác minh rằng Iran đã cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân nước này, và do đó các lệnh trừng phạt của LHQ đã được gỡ bỏ vào năm 2016.

Tuy nhiên, vào năm chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), khôi phục các biện pháp trừng phạt cũ đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới để gây "áp lực tối đa" lên Iran. Theo đó, thỏa thuận hạt nhân sụp đổ và Iran tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium.

Các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành để khôi phục thỏa thuận. Mỹ đã đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Iran chấp nhận các hạn chế mới đối với chương trình hạt nhân của nước này, song các bên vẫn chưa đi đến thống nhất.

Có thể thấy việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương đã từ bỏ cách tiếp cận ngoại giao đa phương vốn đang phát huy hiệu quả.

Như vậy, lời đe dọa áp đặt trừng phạt của Mỹ đối với Nga không có nhiều tác động đến hành động của Moscow trừ khi các quốc gia châu Âu ủng hộ và tham gia vào quyết định này.

Theo ông Dortright, thay vì áp đặt lệnh trừng phạt, Mỹ có thể hỗ trợ các nỗ lực của châu Âu nhằm đàm phán đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời đưa ra đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện tại để Moscow giảm gây áp lực lên Kiev.

Viễn cảnh Nga tấn công Ukraine: Cái bẫy đang chờ đợi ông Putin?

Nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự nổ ra ở châu Âu đang tăng lên mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN