Chuyên gia chỉ ra thứ duy nhất có thể đe dọa đập thủy điện lớn nhất hành tinh ở TQ

Hàng năm, cứ vào mùa mưa lũ, nguy cơ đối với đập Tam Hiệp, công trình thủy điện khổng lồ của Trung Quốc, lại được nhắc đến.

Đập thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc.

Đập thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, mưa lớn tại thượng nguồn khiến nước hồ chứa liên tục dâng cao đã buộc đập Tam Hiệp xả lũ lần đầu tiên trong năm nay. Trung Quốc hiện đang trải qua mùa mưa bất thường suốt hàng thập kỷ khi mưa lũ kéo dài liên tục suốt hơn 28 ngày qua.

Do mưa lớn ở khu vực thượng lưu và trung lưu sông Trường Giang, lượng nước đi vào hồ chứa Tam Hiệp liên tục tăng. Để giải phóng một lượng nước nhất định, cơ quan vận hành đập Tam Hiệp đã mở hai cống xả nước vào sáng 29.6.

Đập Tam Hiệp gần đây thu hút sự chú ý lớn của dư luận ở trong và ngoài Trung Quốc vì mưa lớn kéo dài bất thường. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sư an nguy của công trình thủy điện lớn nhất hành tinh này.

Đập Tam Hiệp được coi là công trình trọng điểm ở Trung Quốc. Suốt nhiều năm qua, đập Tam Hiệp đã tích cực trữ nước, góp phần giảm đáng kể lũ lụt ở vùng hạ lưu.

Công trình khởi công năm 1994 và hoàn thành năm 2006 với chi phi xây dựng ước tính lên tới 200 tỉ USD. Công trình thủy điện khổng lồ của Trung Quốc dài 2.335m, cao 185m, cấu thành từ 28 triệu m3 bêtông và 463.000 tấn thép.

Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG), đơn vị vận hành đập Tam Hiệp đã nhiều lần khẳng định rằng con đập luôn hoạt động trong giới hạn an toàn và các chỉ số đều đáng tin cậy.

Trong quá trình thiết kế, các kỹ sư đã tính đến các rủi ro như động đất, mưa lũ. Ngay cả khi nước lũ vượt mức giới hạn mà hồ chứa của đập có thể tích trữ, con đập vẫn hoàn toàn đứng vững, theo Thời báo Hoàn Cầu. Con đập cũng được thiết kế để nếu có một phần riêng lẻ đập gặp sự cố, toàn bộ con đập vẫn đảm bảo khả năng năng ngăn nước.

Tình cảnh ngập nặng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy do mưa lũ kéo dài.

Tình cảnh ngập nặng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy do mưa lũ kéo dài.

Đập Tam Hiệp cũng được lắp đặt 12.987 thiết bị giám sát, theo dõi liên tục tất cả các chỉ số hoạt động đập, CTG cho biết.

“Đập Tam Hiệp là công trình an toàn tuyệt đối, thậm chí có thể tồn tại tới 1.000 năm. Trừ khi Trái đất có sự biến đổi, không một tác động bên ngoài nào, từ lũ lụt đến động đất, có thể làm thay đổi cấu trúc của đập”, Guo Xun, nhà nghiên cứu thuộc Viện Cơ học Kỹ thuật c ở Bắc Kinh, nói.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng, những tin đồn về sự an nguy của đập Tam Hiệp là do các thế lực trong nước và bên ngoài phát tán, với chủ đích là chỉ trích dự án và chỉ trích chính phủ Trung Quốc.

Theo Channel News Asia, mưa lũ lớn ở Trung Quốc đang có dấu hiệu chuyển sang các tỉnh ven biển phía đông, sau khi đã nhấn chìm nhiều nhà cửa, địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền nam Trung Quốc.

Ước tính 14 triệu người ở 26 tỉnh thành của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt. Hơn 744.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, theo số liệu của Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc.

Trung Quốc xác nhận 78 người mất tích hoặc thiệt mạng do mưa lũ, tổn hại kinh tế trực tiếp lên tới 27,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3,9 tỉ USD).

Nguồn: [Link nguồn]

Đập Tam Hiệp: Kiệt tác nhân tạo hay thảm họa tiềm tàng?

Đập Tam Hiệp khổng lồ chắn nước sông Dương Tử là đập thủy điện lớn nhất hành tinh. Nhiều người ca ngợi công trình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Đập Tam Hiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN