Chuyên gia bình luận về việc ông Putin phê duyệt hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân
Động thái hạ ngưỡng đáp trả hạt nhân của Moscow gây chú ý giữa lúc căng thẳng Nga - phương Tây lên cao.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây phê duyệt các cập nhật mới đối với học thuyết hạt nhân của Nga, theo đó hạ thấp ngưỡng để Moscow có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào các đối thủ.
Bản sửa đổi học thuyết có tác động gì?
Theo bản sửa đổi, một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bởi một quốc gia không có vũ khí hạt nhân cũng có thể dẫn đến trả đũa hạt nhân, nếu quốc gia đó nhận được sự hỗ trợ từ một cường quốc hạt nhân. Điều này được cho là ám chỉ Ukraine và các đồng minh phương Tây của nước này.
Mặc dù những thay đổi này được công bố từ tháng 9, nhưng ông Putin chỉ mới chính thức phê chuẩn sau khi có thông tin Washington cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công một số mục tiêu trên lãnh thổ Nga, và ngay trước khi Moscow cáo buộc Kiev dùng tên lửa ATACMS tấn công một cơ sở quân sự tại vùng Bryansk.
Một số chuyên gia nói với The Moscow Times rằng học thuyết hạt nhân sửa đổi phù hợp với chiến lược của Nga nhằm ngăn chặn các đồng minh phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine, bằng cách tạo ra sự mơ hồ về điều kiện Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo phân tích của Dự án Các vấn đề Hạt nhân (PONI) thuộc tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu, Moscow đã đưa ra hơn 200 tuyên bố đề cập đến khả năng hạt nhân của nước này.
Đây là lần đầu tiên học thuyết này được cập nhật kể từ năm 2020. Học thuyết hạt nhân sửa đổi mở rộng các tình huống mà Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc bảo vệ đồng minh Belarus.
Theo The Moscow Times, trước đây, Nga chỉ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối thủ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến "sự tồn tại của nhà nước Nga". Tuy nhiên, trong học thuyết mới, điều kiện này đã được hạ xuống thành “mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga.”
“Không có cách giải thích cụ thể nào về điều này. Mặc dù thay đổi này không phải là không quan trọng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Nga sẽ tự động làm vậy", ông Pavel Podvig, giám đốc Dự án Lực lượng Hạt nhân Nga (dự án độc lập có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ), nói với báo chí.
Heather Williams, giám đốc PONI, viết vào tháng 9 rằng chiến lược răn đe này của Nga có "hiệu quả không rõ ràng," bởi các "lằn ranh đỏ" mà Điện Kremlin đặt ra đã nhiều lần bị vượt qua.
Dù Ukraine từng chỉ trích Washington vì chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự và gỡ bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí, các đồng minh của Ukraine vẫn dần cung cấp những vũ khí mạnh hơn và cho phép tấn công có giới hạn vào mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Williams cho rằng Moscow không có phản ứng trả đũa lớn.
Ngoài ra, NATO đã kết nạp thêm 2 quốc gia mới (Phần Lan và Thụy Điển) kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, làm suy yếu tuyên bố của ông Putin rằng Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt để ngăn NATO mở rộng sát biên giới Nga.
Chỉ để răn đe?
Một vụ phóng tên lửa của quân đội Nga. Ảnh: Reuters
Boris Bondarev, nhà ngoại giao Nga, nhận định học thuyết hạt nhân của Moscow chủ yếu nhằm răn đe các đối thủ của Nga. “Để đến khi Nga quyết định dùng vũ khí hạt nhân, không ai còn quan tâm đến học thuyết. Ông Putin sẽ không hỏi xem học thuyết cho phép điều gì và không cho phép điều gì. Những chỉ huy nhận lệnh sẽ không thắc mắc mà chỉ thực hiện ngay lập tức,” ông Bondarev nói.
“Đây là cách thực hiện răn đe hạt nhân,” ông Pavel Podvig, giám đốc Dự án Lực lượng Hạt nhân Nga, nhận định. Ông Podvig nhấn mạnh cộng đồng quốc tế nên có phản ứng rõ ràng về mối đe dọa hạt nhân từ Moscow.
“Leo thang đến mức sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ sự kiện nào liên quan đến xung đột Ukraine có vẻ không thực tế, bởi điều đó sẽ không giúp đạt được mục tiêu của Nga, mà ngược lại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với NATO", Hans Kristensen, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức tư vấn Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, bày tỏ lo ngại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết phương Tây nên chú ý đến học thuyết hạt nhân mới của Nga, phản ánh quyền và khả năng tự vệ của...
Nguồn: [Link nguồn]