Chuyên gia: 3 bài học 'đắt giá' về chiến tranh hiện đại rút ra từ đợt phản công của Ukraine
Ông Benjamin Jensen - chiến lược gia quốc phòng với hơn 19 năm kinh nghiệm trong quân đội Mỹ, phân tích về ba bài học trong chiến tranh hiện đại mà ông rút ra từ thành công gần đây của Ukraine.
Thời gian gần đây, các lực lượng Ukraine, với sự hỗ trợ từ hỏa lực của phương Tây, tuyên bố đã đẩy lùi quân Nga và giành lại nhiều vùng lãnh thổ, theo tờ Asia Times.
Thành công của Ukraine được giới quân sự đánh giá cao. Các chuyên gia nhận định Kiev đã phối hợp một cách hợp lý thời gian, không gian và lực lượng để đạt được bước tiến mới.
Ông Benjamin Jensen - GS Nghiên cứu Chiến lược, ĐH Thủy quân Lục chiến, chiến lược gia quốc phòng với hơn 19 năm kinh nghiệm trong quân đội Mỹ, đã có bài viết phân tích về ba bài học trong chiến tranh hiện đại mà ông rút ra được từ thành công gần đây của Ukraine.
Chiến thuật đánh lừa vẫn hiệu quả trong xung đột hiện đại
Đặc điểm của chiến tranh hiện đại là nó diễn ra trong bối cảnh tin tức liên tục được cập nhật - nơi bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận các bức ảnh vệ tinh thương mại và các luồng thông tin trên mạng xã hội, theo ông Jensen.
Binh sĩ Ukraine đứng kế một xe tăng Nga bị phá hủy ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: REUTERS
Sự tràn ngập thông tin này khiến việc che giấu các đội hình quân sự lớn ngày càng trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Tuy nhiên, theo ông Jensen, Ukraine đã cho thấy rằng một môi trường thông tin được kết nối toàn cầu không có nghĩa là nghệ thuật đánh lừa đã hết thời.
Ông Jensen nhận định các chiến lược gia quân sự của Ukraine đã sử dụng một biến thể của khái niệm quân sự thế kỷ 19 về “vị trí trung tâm”.
Khái niệm này gắn liền với chiến lược gia người Pháp Napoléon. Khi đối đầu với hai đội quân, ông đã bố trí lực lượng của mình ở giữa để chia cắt đối thủ. Điều này cho phép quân Pháp tập trung lực lượng ở một địa điểm, ngay cả khi họ ít hơn về tổng thể.
Theo ông Jensen, trong cuộc phản công gần đây, Ukraine đã sử dụng "vị trí trung tâm" để đối phó với hai lực lượng Nga tập trung. Lực lượng thứ nhất của Nga tập trung ở phía đông xung quanh TP Kharkiv (tỉnh Kharkiv) và vùng Donbass (gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk), còn lực lượng thứ hai hiện ở phía nam dọc theo sông Dnepr và tỉnh Kherson.
Lực lượng của Nga đông hơn quân đội Ukraine và sở hữu số lượng xe tăng, thiết giáp, pháo và máy bay tấn công lớn hơn, theo ông Jensen.
Trong khi Ukraine đang xây dựng lực lượng ở Kherson và tấn công cơ sở hạ tầng nhằm cô lập quân đội Nga, họ cũng duy trì một lực lượng thiết giáp lớn ở phía đông. Điều này cho phép Ukraine có khả năng cố định các lực lượng Nga dọc theo một mặt trận trong khi tấn công vào mặt trận khác.
"Vị trí trung tâm" của Ukraine khiến Nga phải tính đến khả năng Kiev tấn công theo cả hai hướng.
Binh sĩ Ukraine trong đợt phản công ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: REUTERS
Theo ông Jensen, Ukraine cũng sử dụng một hình thức đánh lừa khác thông qua “Nguyên tắc của Magruder”. Theo nguyên tắc này, việc tạo ra mục tiêu để duy trì niềm tin đã có từ trước sẽ dễ dàng hơn là đưa ra một ý tưởng mới.
Bằng cách không kích cô lập lực lượng Nga dọc theo sông Dnepr và đưa ra các tuyên bố công khai rằng Ukraine sẽ tấn công Kherson, Kiev đã củng cố quan điểm của Nga rằng Kherson sẽ là mặt trận đầu tiên của đợt phản công.
Do đó, Nga đã chuyển lực lượng xuống phía nam để củng cố các vị trí chiến đấu Kherson. Theo ông Jensen, điều này có thể làm rỗng lực lượng của Moscow ở phía đông và làm tổn hại khả năng triển khai lực lượng dự bị của nước này.
Tuy nhiên, một điểm bất lợi của chiến thuật này là nó đã vô tình tạo điều kiện củng cố và làm tăng sức mạnh lực lượng Nga ở phía đông, ông Jensen nhận định.
Các đòn đánh chính xác tạo ra hiệu ứng xếp tầng
Ông Jensen nhận định ở cấp độ chiến thuật hơn, Ukraine sử dụng các đòn tấn công chính xác để cản trở sự di chuyển của quân đội Nga.
Kiev đã điều nhiều máy bay không người lái (UAV) để xác định vị trí và sau đó tấn công mục tiêu. Các UAV này kết hợp với tên lửa dẫn đường chống tăng, các đội hình bọc thép và pháo binh Ukraine đã gây áp lực cho bộ binh Nga.
Sự kết hợp này đã giúp các máy bay chiến đấu được hoạt động tự do hơn, trong khi các lực lượng đặc biệt và tên lửa chính xác tầm xa Ukraine có thể tìm kiếm các radar, sở chỉ huy và kho tiếp liệu của Nga, theo ông Jensen.
Kết quả thực tế là các lực lượng Nga đã gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng đủ sức mạnh chiến đấu để phản công và ngăn chặn bước tiến của Ukraine.
Truyền thông Ukraine cũng liên tục đăng tải hình ảnh của những binh lính đang bỏ chạy. Điều này đã phần nào gây áp lực lên tinh thần quân Nga, ông Jensen nói.
Chính trị vẫn là mục tiêu then chốt
Một yếu tố chính trị đã thúc đẩy trình tự và bối cảnh của cuộc phản công gần đây của Ukraine: Kiev cần phải ngăn chặn khả năng Nga tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Kherson và Donbass, theo ông Jensen.
Nhiều khả năng Moscow sẽ sáp nhập các tỉnh này của Ukraine để trấn an những người ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga - những người đang tỏ ra mệt mỏi vì Nga không đạt được bước tiến mới.
Nói cách khác, ở cấp độ chiến lược, ngay cả khi cuộc phản công gần đây không giành được một lượng lớn lãnh thổ hoặc đánh bại toàn bộ sư đoàn của Nga, thì nó vẫn có thể phân tán lực lượng của Moscow. Các lực lượng Nga sẽ buộc phải bảo vệ mặt trận thay vì đảm bảo các địa điểm bỏ phiếu.
Vì vậy, theo ông Jensen, dù những lợi ích về chiến thuật tạo ra từ cuộc phản công là quan trọng, mục tiêu cơ bản mà Ukraine đang theo đuổi ở cấp chiến lược vẫn là chính trị.
Nhiều xe tăng của Lữ đoàn 65 Quân đội Ukraine theo thông báo đã bị phía Nga bắt sống sau khi đơn vị trên rơi vào ổ phục kích.
Nguồn: [Link nguồn]