Chuyện gì sẽ xảy ra với Tổng thống Hàn Quốc sau lệnh thiết quân luật gây sốc?
Việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật rồi dỡ bỏ trước sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ Quốc hội báo hiệu sự nghiệp chính trị của ông gặp trắc trở, các nhà phân tích nhận định.
Binh sĩ Hàn Quốc rời khỏi tòa nhà Quốc hội lúc rạng sáng ngày 4/12. Ảnh: Reuters.
Không nhận được sự ủng hộ
Theo tờ Straits Times, vài giờ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật, không một đồng minh chính trị nào tỏ ra ủng hộ.
Ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật vào lúc 10 giờ 21 phút ngày 3/12 (giờ địa phương) trong một tuyên bố khẩn cấp trên truyền hình. Chưa đầy 3 giờ sau, tất cả 190 nghị sĩ Hàn Quốc có mặt tại trụ sở Quốc hội, kể cả các nghị sĩ thuộc đảng của ông Yoon, đều bỏ phiếu bác bỏ.
Trước tình thế như vậy, ông Yoon đã phải ra thông báo dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Tất cả sự chú ý hiện đang đổ dồn vào hành động tiếp theo của Tổng thống Hàn Quốc.
“Ông ấy chỉ có hai lựa chọn, một là từ chức ngay trong ngày, hoặc chờ bị luận tội”, Hahm Sung-deuk, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kyonggi ở Hàn Quốc, nhận định. Ông Hahm mô tả việc ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật là “điều tồi tệ với nền dân chủ Hàn Quốc”.
Giáo sư Hahm cho biết ông Yoon đã chứng tỏ sự thất bại trong việc vận dụng "các quy tắc dân chủ, vì vậy ông sẽ bị trừng phạt".
Phát biểu từ văn phòng tổng thống ở Seoul, ông Yoon cho biết thiết quân luật là cần thiết để bảo vệ đất nước “khỏi các mối đe dọa từ Triều Tiên và xóa bỏ các thế lực chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên”. Ông mô tả thế lực này (ám chỉ phe đối lập ở Quốc hội) đang cướp bóc tự do và hạnh phúc của người dân Hàn Quốc.
Về dự luật cắt giảm ngân sách do phe đối lập đưa ra , ông Yoon nói cắt giảm ngân sách sẽ làm suy yếu các chức năng thiết yếu của chính phủ, bao gồm phòng chống tội phạm ma túy và các biện pháp đảm bảo an toàn công cộng, khiến đất nước bị đẩy gần đến việc trở thành một "thiên đường cho ma túy và an toàn công cộng rơi vào khủng hoảng".
Ông Yoon cáo buộc phe đối lập sử dụng các dự luật ngân sách và đề xuất luận tội như một công cụ chính trị để bảo vệ lãnh đạo đảng, ông Lee Jae-myung, khỏi bị truy tố. Theo Yonhap, ông Lee đang đối mặt với nhiều phiên tòa.
"Quốc hội đã trở thành nơi trú ẩn cho tội phạm, làm tê liệt hệ thống tư pháp và hành chính, đồng thời cố gắng lật đổ hệ thống dân chủ tự do thông qua sự độc tài lập pháp", ông Yoon nói.
Theo Straits Times, hành động bất ngờ của ông Yoon không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên trong đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Yonhap.
Chủ tịch đảng PPP, Chief Han Dong-hoon lên án việc ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật và khẳng định sẽ “ngăn chặn điều này”.
Sự nghiệp chính trị kết thúc?
Lần cuối Hàn Quốc rơi vào tình trạng thiết quân luật là vào năm 1980, khi Tổng thống Chun Doo-hwan ban bố lệnh để đối phó các cuộc biểu tình chống chính phủ của sinh viên trên khắp đất nước.
Những câu hỏi đã xuất hiện về sức khỏe tinh thần của Tổng thống Yoon khi đưa ra quyết định gây sốc như vậy. Giáo sư Giáo sư Hahm cho rằng ông Yoon "không ổn định cả về thể chất lẫn tinh thần".
Ông Yoon đang đối mặt tỷ lệ ủng hộ thấp trong những tháng gần đây. Nhiều chính sách của ông không thể được thông qua khi phe đối lập kiểm soát hoàn toàn Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4/2024.
Sean King, chuyên gia châu Á tại công ty tư vấn Park Strategies có trụ sở tại New York (Mỹ) gọi đây là "động thái vô cùng đáng thất vọng của Tổng thống Hàn Quốc, người dường như đang tuyệt vọng".
Nếu ông Yoon từ chức, Thủ tướng Han Duck Soo sẽ tạm thời nắm quyền lãnh đạo cho đến khi có một cuộc bầu cử tổng thống mới sau 6 tháng nữa.
Nhưng nếu ông Yoon từ chối từ chức, quy trình luận tội phức tạp sẽ diễn ra với hình phạt nghiêm khắc hơn, kéo theo một phiên tòa xét xử, giáo sư Hahm cho biết.
Các lãnh đạo Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) và Đảng Dân chủ (DP) Hàn Quốc đều phản đối quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật của tổng thống.
Nguồn: [Link nguồn]