Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên

Nữ đạo diễn người Úc Anna Broinowski từng thực hiện một bộ phim tại Triều Tiên, với sự hợp tác của các đạo diễn hàng đầu nước này. Gần đây, cô chia sẻ những kinh nghiệm không ngờ trong bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên, những người cô kết bạn, và phản ứng của người Hàn Quốc với bộ phim. Dưới đây là nội dung lược dịch bài viết của cô.

Vào năm 2012, sáu tháng sau khi Kim Jong-un kế vị cha Kim Jong-il, trở thành lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, tôi đã thực hiện một bộ phim tại nước này. 

Tôi được cấp visa do chính quyền hậu thuẫn – trở thành người làm phim tài liệu phương Tây duy nhất được quyền tiếp xúc hoàn toàn với hệ thống phim ảnh tuyên truyền tuy bí ẩn nhưng vô cùng mạnh mẽ của Triều Tiên. 

Cơ duyên này bắt đầu từ một món quà  do một người bạn tặng - cuốn sách viết về tuyên truyền năm 1987 của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, “The Cinema and Directing” (tạm dịch: Điện ảnh và việc đạo diễn).

Phản ứng đầu tiên của tôi với món quà đương nhiên là chế giễu. Dưới nguồn thông tin phương Tây, nhà lãnh đạo Triều Tiên thường xuất hiện trong những tin tức như tích trữ nhiều rượu ngoại trong cung điện hay đe dọa thả bom hạt nhân Mỹ. Ông ta biết gì về làm phim? 

Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên - 1
Hình ảnh trong phim thực hiện ở Triều Tiên của Anna Broinowski

Tuy thế, tôi chú ý đọc những lời của Kim Jong-il, và thấy ông có năng khiếu, có kiến thức sâu trong lĩnh vực điện ảnh. Theo Shin Sang-ok, đạo diễn Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt năm 1978, Kim Jong-il trữ tới 20.000 bộ phim nước ngoài trong một hầm bí mật ở Bình Nhưỡng, trong đó các tác phẩm về điệp viên 007 hay nữ diễn viên Elizabeth Taylor được ưa thích nhất, từ đó áp dụng các kỹ thuật của Hollywood, sử thi của Xô Viết và nhiều loại khác để ra đời những sản phẩm cho 24 triệu người Triều Tiên xem ngày nay. 

Kim Jong-il bí mật đạo diễn nhiều phim từ 1964 cho đến lúc qua đời. Tuy thích các bộ phim phương Tây, ông lại cho ra đời những sản phẩm mang tính tuyên truyền. Từ những nữ anh hùng trong bộ phim Sea of Blood (Biển máu) năm 1969 tới nữ sinh trung học trong phim Schoolgirl's Diary (Nhật ký nữ sinh) năm 2006 đều hết lòng ca tụng lãnh đạo. 

Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên - 2
Đạo diễn Anna Broinowski, người phương Tây duy nhất được tiếp xúc với hệ thống điện ảnh Triều Tiên

Để làm một bộ phim tuyên truyền theo phong cách của Kim Jong-il, tôi đã mời được vài diễn viên. Chúng tôi cần một kẻ thù tư bản, lấy nguyên mẫu là công ty khí đốt tại quê nhà tôi là Sydney - một nữ anh hùng lao động, cùng một đội quân là người dân bị áp bức vùng lên trong vinh quang chống lại những kẻ bóc lột đê tiện. Cuối cùng, tôi được sự hỗ trợ của những đạo diễn hàng đầu Triều Tiên do được nhiều phía hậu thuẫn.  

Nhiệt huyết, hào phóng, thẳng thắn và thông minh, đội ngũ diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ và cả diễn viên đóng thế của chúng tôi khác hẳn so với ấn tượng về người Triều Tiên mà phương Tây phác họa, rằng họ là những người bị tẩy não lúc nào cũng sống trong lo sợ. 

Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên - 3
Người dân Triều Tiên

Ngay sau hai tiếng đặt chân xuống Bình Nhưỡng, thành phố thanh bình và sạch sẽ ngoài sức tưởng tượng, tôi nhanh chóng đi ăn cùng những người đồng nghiệp Triều Tiên. Họ vẫn nghe âm nhạc từ xưa, điều dễ hiểu trong một đất nước đóng cửa. 

Điều ít dự kiến nhất có lẽ là sự hài hước quá đáng của họ. Sau vài chén rượu, họ bắt đầu hát hò những bài hát về tình bạn hay kể chuyện tiếu lâm liên quan tới tổng thống Hàn Quốc, hay David Beckham và tổng thống Bush bị bọn ăn thịt người luộc sống. 

Tôi từng nghĩ những màn vui vẻ đó đều được dàn dựng, nhưng vài tuần sau, khi đi cùng những người giám sát Triều Tiên, tôi thấy nhóm 15 người ở mọi lứa tuổi nhảy múa với âm nhạc dân gian. Điều đó không thể sắp đặt được.  

Trong chuyến đi 24 ngày, tôi cũng thấy mặt tối của Triều Tiên dù được những người giám sát cố gắng cho tôi thấy những điều tốt đẹp. Ở tầng dành riêng cho người nước ngoài trong một khách sạn, tôi chắc chắn phòng của mình bị nghe trộm. 

Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên - 4
Khách sạn Yangakkdo

Một hôm vào 2 giờ sáng, khi đang xem lướt qua những bộ phim mà họ đưa để tham khảo, tôi bất giác bật cười vì các diễn viên hát ca tụng lãnh tụ bất cứ lúc nào, dù là trên chiến trường, trong tù hay làm đồng. Ngay lập tức chuông điện thoại reo và người giám sát nhắc nhở với giọng điệu khó chịu: "Anna, làm ơn hãy xem phim đi".

Trên những con đường hoang sơ của Bình Nhưỡng, tôi không được phép quay tượng của các lãnh đạo ở góc chính diện. Những du khách bất tuân đã bị gửi về Trung Quốc. Một số người qua đường trông khá hồng hào, đương nhiên tại thủ đô thì điều kiện đầy đủ hơn, nhưng động vật thì không. Tôi từng thấy hai con chó gầy nhom bị buộc sau chiếc xe đạp. Trông chúng không giống vật nuôi. 

Tôi được tìm hiểu công nghệ điện ảnh tại Triều Tiên một cách chi tiết, trừ giai đoạn sản xuất. Mặc dù đã thuyết phục rất nhiều, họ vẫn nhất quyết không sử dụng công nghệ mới. Một lần, khi có đoàn diễu hành quân đội, người giám sát không chần chừ đóng sập ống kính của chúng tôi. 

Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên - 5
Tượng lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành và nhà lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng

Sau khi kiểm tra, một quan chức than phiền rằng có quá nhiều binh sĩ trong hậu cảnh, nhưng điều đó không thể tránh được, hay là hình huy hiệu lãnh đạo trên ve áo một nữ diễn viên bị dây micro che khuất. Tôi phải đảm bảo rằng chi tiết đó sẽ được sửa trong khâu hậu kỳ, và rời đất nước này với tư liệu còn nguyên vẹn. 

3 năm sau, những ký ức về Triều Tiên vẫn sống động trong tâm trí, trong đó có những chi tiết như thông dịch viên 22 tuổi cầm lọ nước hoa Kim Kardashian của tôi và ngạc nhiên rằng người phương Tây lại sử dụng nước hoa có tên lãnh đạo của họ.  

Chuyện cô "Tây" làm phim tuyên truyền Triều Tiên - 6
Poster phim "Aim High Creation" của Anna Broinowski

Vào tháng 9.2015, dịp 70 năm chia cắt hai miền Triều Tiên, bộ phim tài liệu Aim High in Creation (Tạm dịch: Nỗ lực cao trong sáng tạo) của tôi được trình chiếu trong một lễ hội tại TP Ba Châu (Hàn Quốc). Hàn Quốc cấm người dân xem phim Triều Tiên, nên những hình ảnh cuộc sống người Triều Tiên mà tôi ghi lại được người Hàn Quốc chào đón với thái độ khá tích cực.  

Sau đó, tôi rời Hàn Quốc, cảm thấy tiếc nuối cho miền đất bị chia cắt, nơi cả hai bên cố gắng ngăn chặn tin tức tới với người dân. “Aim High” không phải là bộ phim hoàn hảo, mà có kết hợp phong cách tuyên truyền đôi khi gây cảm giác khá kỳ cục. Tuy nhiên nó đã được trình chiếu tại Hàn Quốc và tôi hài lòng với điều đó. Tại một nơi mà người dân thường được phương Tây mô tả như những con rối, những con người trong “Aim High” thực tế rất gần gũi và hòa đồng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Thanh - BBC ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN