Chuyện chưa kể ở bên trong khách sạn Metropole
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo ngắn gọn: Hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc. Không có thỏa thuận nào.
Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole sau cuộc họp kín đầu tiên sáng ngày 28/2.
Cú “bẻ lái” choáng váng
Bàn ăn đã được dọn sẵn. Những bình hoa và tờ thực đơn đã được đặt ngay ngắn bên dưới là tấm khăn trải bàn trắng muốt. Những chiếc cốc cũng đã được rót đầy nước. Mấy cái quạt quay nhè nhẹ phả ra một luồng gió man mát…
Nhưng không có ai bước đến đó.
“Lịch trình đã thay đổi”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo lạnh lùng.
Đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có điều gì đó đã xảy ra đối với ông Trump sau 2 ngày họp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Các phóng viên và nhiếp ảnh đã tề tựu đông đủ trong căn phòng để chuẩn bị ghi lại những hình ảnh và cuộc trò chuyện trong bữa trưa của hai nhà lãnh đạo, lục tục kéo nhau ra khỏi phòng với vẻ chưng hửng thấy rõ.
Những phỏng đoán rộ lên. Phải chăng là ông Trump đang sử dụng “đòn” giả vờ bỏ đi để gây sức ép với ông Kim trên bàn đàm phán? Liệu hai nhà lãnh đạo này có tổ chức họp báo chung để thông báo về tiến trình dẫn đến một thỏa thuận nào đó hay không?
Nhưng không lâu sau đó, tất cả những đồn đoán này đều lập tức bị tắt lịm khi đoàn xe hộ tống của cả ông Trump và Kim đều gần như cùng lúc rời khỏi Metropole để trở về khách sạn của mình.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo ngắn gọn: Hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc. Không có thỏa thuận nào.
Bàn ăn trưa được dự định phục vụ hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - Triều Tiên tại khách sạn Metropole.
Không một ai có thể tưởng tượng nổi một hội nghị được khởi đầu một cách thân thiện và vui vẻ đến như thế lại sụp đổ một cách chóng vánh đến vậy. Hóa ra những lời chào mừng, ca tụng nhau, những nụ cười sảng khoái, những cái khoác tay thân thiện của ông Trump tại một khách sạn sang trọng và lâu đời bậc nhất của thủ đô Hà Nội… lại bị đảo ngược một cách không thể kịch tính hơn.
“Đôi khi bạn buộc lòng phải từ bỏ”, ông Trump thốt lên khi kết thúc buổi họp báo.
Hẳn chưa có ai quên được, khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào sáng thứ Năm (28/2), ông Kim Jong Un đã cho rằng chỉ có thể trong phim giả tưởng mới có cảnh hai nhà lãnh đạo giờ này ngồi cạnh nhau thân thiện đến thế, bất chấp việc mới cách đây 2 năm họ đã gọi nhau là “gã tên lửa” và “kẻ loạn trí”.
Phát biểu trước các phóng viên, ông Trump cho biết, trong bữa tối hôm trước hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau bàn bạc và thảo luận về rất nhiều ý tưởng tuyệt vời.
Nhưng đến bữa trưa nay thì chúng có vẻ không còn tuyệt vời nữa.
Hai người gặp nhau vào buổi sáng khoảng 35 phút và sau đó đi bộ đến một khu vực bể bơi ngoài trời, nơi đó Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và người đồng cấp Triều Tiên cũng “nhập hội” nhưng thời tiết ầm ướt có phần oi bức của mùa xuân Hà Nội khiến họ cảm thấy không thoải mái lắm. Họ chuyển đến một phòng máy lạnh có kính bao quanh ngoài hiên. Bốn người, cộng với hai người phiên dịch, đã nói chuyện trong khoảng 70 phút trong một phiên được mô tả là “không chính thức”.
Hai ông Trump và Kim nghỉ giải lao 15 phút và sau đó bước vào một phiên đàm phán khác. Lần này với nhiều quan chức hơn.
Khi bắt đầu cuộc họp cuối cùng đó, các nhà báo được mời tham gia chụp ảnh và một chuyện “xưa nay chưa từng có” đã bất ngờ xảy ra: Ông Kim Jong Un trả lời câu hỏi của các phóng viên nước ngoài - không chỉ một, mà nhiều người.
Nhưng rồi các phóng viên cũng bị “lùa” ra ngoài.
“Nếu bạn vui lòng cho chúng tôi nhiều thời gian hơn, bởi vì bạn biết một phút đối với chúng tôi cũng là một phút quý giá”, ông Kim nói. Sau đó, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng các quan chức Hoa Kỳ đã hy vọng có được một thỏa thuận vào sáng thứ Năm sau khi làm việc suốt đêm.
“Tất cả chúng tôi đã quay lại và cố gắng để xem liệu chúng tôi có thể đi xa hơn một chút không và chúng tôi thực sự đã làm như vậy”, ông Ngoại trưởng kể với các phóng viên trên máy bay của mình.
Nhưng họ đã đi không đủ xa.
Tiếp theo trong lịch trình là bữa ăn trưa không bao giờ xảy ra. Lễ ký kết một tuyên bố chung được ghi trong lịch làm việc của ông Trump cũng không xảy ra. Họ không có gì để ký. Thay vào đó, Air Force One cất cánh sớm hai tiếng.
Ai nói đúng?
Trong cuộc họp báo được đẩy lên sớm hơn 2 tiếng tại khách sạn Marriott, ông Trump cho biết, phía Triều Tiên đề nghị gỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm vận và Mỹ không sẵn lòng làm việc đó nên cả hai bên đành ra về mà không có thỏa thuận nào khác.
Nhưng trong cuộc họp báo bất ngờ vào lúc nửa đêm (theo giờ Hà Nội) tại khách sạn Melia, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong ho lại khẳng định, Triều Tiên chỉ đề nghị gỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh cấm vận đồng thời họ sẵn sàng đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon và cho phép các thanh sát viên quốc tế vào kiểm tra các cơ sở hạt nhân khác.
Ông Trump tại buổi họp báo chiều ngày 28/2 tại khách sạn Marriott.
Rốt cuộc thì ai đã nói đúng? Trong trường hợp này, theo phóng viên Eric Talmadge của hãng tin AP (Mỹ) thì có vẻ như Triều Tiên là bên nói đúng bởi đề nghị gỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận đã được họ đưa ra từ trước đó nhiều tuần trong các cuộc đàm phán cấp thấp.
Thông tin này cũng được một quan chức (đề nghị giấu tên) từng tham gia các đoàn đàm phán của Hoa Kỳ xác nhận. Người này cho biết, trong nhiều cuộc đàm phán trước đó, phía Triều Tiên đã đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ việc hối thúc Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt với nước này kể từ tháng 3/2016 và không đả động gì đến các lệnh cấm vận trong thập kỷ trước đó. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt tới 11 lệnh cấm vận lên Triều Tiên và biến họ trở thành quốc gia chịu sự cấm vận khắt khe và ngặt nghèo nhất thế giới. Chính vì điều này mà ông Kim Jong Un đề nghị dỡ bỏ các lệnh cấm vận được cho là “có tác động mạnh nhất tới đời sống của người dân Triều Tiên” trong đó có các lệnh cấm như: Cấm mua bán kim loại, cấm trao đổi nguyên liệu thô, hàng hóa xa xỉ, hải sản, cấm xuất khẩu than, cấm nhập khẩu dầu mỏ đã qua tinh chế hay dầu thô…
Ông Kim không hề đề nghị dỡ bỏ các lệnh cấm vận từ năm 2006 – năm Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Mặc dù Triều Tiên vẫn tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết để tự vệ, nhưng ít nhất trong thời gian này, họ đã chấp nhận các lệnh trừng phạt liên quan đến vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa. Nhưng Triều Tiên luôn coi việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực thương mại khác là rất “bất chính” và coi đó là “điểm đàm phán”.
Trái ngược với quan điểm của Triều Tiên, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Trump và các nhà đàm phán của ông coi đó là một yêu cầu quá cao bởi vì họ đã xác định rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sau năm 2016 sẽ có giá trị nhiều tỷ đô la đối với Triều Tiên và về cơ bản số tiền này có thể được sử dụng để tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.
Và với ông Trump, đó gần như là tất cả các lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, cả hai bên dường như quyết tâm đến với nhau bằng thiện chí mà Trump nói nói chung là thân thiện và mang tính xây dựng.
Với giọng điệu nhẹ nhàng hơn tại cuộc họp báo đêm khuya và cũng không có bất cứ sự chỉ trích nào dành cho ông Trump, có thể thấy Triều Tiên đang mong chờ nhiều cuộc đàm phán hơn.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước đánh giá cao rằng cuộc gặp lần thứ hai tại Hà Nội đã mang đến một dịp quan trọng để tăng cường sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau và đưa mối quan hệ giữa hai nước lên một giai đoạn mới. Họ đã đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và sự phát triển mang tính thời đại của mối quan hệ Mỹ - Triều trong tương lai.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 1/3 cũng nói, ông Kim Jong Un đã cảm ơn ông Trump vì nỗ lực tích cực cho cuộc họp thành công và nói chuyện với nhau trong khi thực hiện một hành trình dài và nói lời tạm biệt, hứa hẹn cuộc gặp tiếp theo.
Reuters vừa đăng một bài viết về bữa trưa bị hủy bỏ của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.