Chuỗi hành động chứng minh Mỹ đang mạnh tay ngăn chặn quân đội Trung Quốc trỗi dậy
Tăng cường hoạt động trên biển, thử nghiệm tên lửa, tập trận đổ bộ là những động thái mới nhất của Mỹ nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer tham gia cuộc diễn tập với ASEAN vào ngày 5/9 tại vịnh Thái Lan. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Theo Channel News Asia, Lầu Năm Góc xem sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc cũng chính là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Hôm 13/9, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của hải quân Mỹ đã hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Đây là một phần trong chương trình tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông do hải quân Mỹ tiến hành.
Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, Tướng Reann Mommsen nhấn mạnh: "Sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại từ phía Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa".
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Hoạt động tuần tra trên Biển Đông hôm 13/9 là lần thứ 6 trong năm nay hải quân Mỹ tiến hành trên vùng biển chiến lược. Trong khi đó, hoạt động tuần tra trên Biển Đông được hải quân Mỹ tiến hành hồi năm 2017 và 2018 lần lượt là 8 và 6 lần.
Trước đó, hôm 11/9, Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ thông báo tiến hành đợt tập trận ở đảo Tori Shima, nằm cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản hàng trăm dặm về phía nam. Nội dung cuộc tập trận là tiến hành đổ bộ lên các bờ biển “thù địch” và giành lấy khu vực đổ bộ.
Giới chuyên gia nhận định, cuộc tập trận rõ ràng là bước chuẩn bị cho quân đội Mỹ khả năng đánh chiếm một hòn đảo đang xảy ra tranh chấp và thiết lập cơ sở hỗ trợ cho chiến dịch trên không.
"Kiểu tấn công bất ngờ sẽ giúp các chỉ huy ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tăng khả năng triển khai lực lượng và tiến hành hoạt động viễn chinh ở môi trường ven biển đang tranh chấp”, Tướng quân đội Mỹ Anthony Cesaro cho hay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chọn châu Á là điểm đến đầu tiên sau khi ông chính thức nhậm chức người đứng đầu Lầu Năm Góc chỉ sau vài tuần. Ông Esper cũng ra tuyên bố nhấn mạnh trong vài tháng tới, Mỹ muốn điều động các tên lửa thế hệ mới tới châu Á nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc.
Còn vào ngày 12/9, phát biểu tại phiên điều trần Thượng viện Mỹ, quyền Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy đã lên tiếng bảo vệ quan điểm cần phải phát triển các thế hệ tên lửa mới.
Theo ông McCarthy, các tên lửa tầm trung truyền thống thế hệ mới mà Washington muốn phát triển không còn bị ràng buộc bởi quy định trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã chính thức rút khỏi vào ngày 1/8.
Ông McCarthy cũng nhấn mạnh, việc phát triển tên lửa tầm trung truyền thống thế hệ mới sẽ “thay đổi hình dạng trong khu vực Đông Nam Á”. Nói cách khác, theo ông McCarthy, các tên lửa của Mỹ có thể làm thay đổi năng lực chống tiếp cận và chống xâm nhập mà những đối thủ gần ngang tầm đã thiết lập như Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Lầu Năm Góc đã chọn Thái Bình Dương là khu vực để thử nghiệm hệ thống tên lửa tầm trung truyền thống đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Vào cuối tháng Tám, Washington cũng chính thức thiết lập Bộ Tư lệnh vũ trụ hay còn gọi là Spacecom nhằm đảm bảo khả năng thống trị trên không gian của Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động trong khu vực này.
Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực".
“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel hôm 26-7 đưa ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng...