Chưa đàm phán, Tổng thống Trump đã sớm nhượng bộ Nga?
Dù cam kết nhanh chóng kết thúc xung đột Ukraine, Tổng thống Mỹ Trump có thể gặp khó do đánh mất một số lợi thế khi đàm phán với Nga sắp bắt đầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-2 có cuộc điện đàm riêng với người đồng cấp Nga và Ukraine là các ông Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky. Ông đã yêu cầu các quan chức Mỹ khởi động quá trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua, Reuters đưa tin.
Các cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố trước các đồng minh tại Brussels - Bỉ rằng việc Ukraine khôi phục biên giới trước năm 2014 - thời điểm Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea - là không thực tế.
Ông Hegseth cũng nói Mỹ không coi tư cách thành viên NATO của Ukraine là một phần giải pháp kết thúc xung đột, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ không hiện diện an ninh tại Ukraine.
Ông Michael McFaul - cựu Đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2012-2014 - đã đặt câu hỏi về chiến lược của chính quyền ông Trump với Nga và Ukraine.
“Tại sao Nhà Trắng lại cho Nga lợi thế - như nhượng bộ lãnh thổ hay không cho Ukraine tư cách thành viên NATO - trước khi đàm phán bắt đầu?” - ông McFaul viết - “Tôi đã đàm phán với người Nga. Chúng ta không bao giờ cho họ thứ gì miễn phí”.
Ukraine và châu Âu ngỡ ngàng
Kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine, Nga yêu cầu Kiev nhượng bộ và trung lập vĩnh viễn. Trong khi đó, Ukraine yêu cầu Moscow phải rút quân và nước này muốn trở thành một phần NATO hoặc được đảm bảo an ninh tương đương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2018. Ảnh: TASS
Kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2-2022, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng châu Âu đã kiên quyết yêu cầu Nga rút quân và để mở khả năng Ukraine sẽ là thành viên NATO. Không chỉ vậy, Mỹ và châu Âu còn cung cấp cho Ukraine hàng chục tỉ USD viện trợ quân sự.
Dù chính quyền mới ở Washington nhiều lần ám chỉ không ủng hộ mọi mong muốn của Ukraine, những phát biểu gần đây từ ông Hegseth và ông Trump vẫn khiến châu Âu bàng hoàng.
“Không tư cách thành viên NATO, không có quân đội trên thực địa? Nghe như đang từ bỏ Ukraine vậy” - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis viết - “Các đại biểu bay tới Munich không phải để đàm phán, mà là để báo tin xấu cho Kiev”.
Dẫu vậy, ông Trump ngày 12-2 vẫn khẳng định: “Tôi ủng hộ Ukraine”.
Tiến sĩ Stephen Wertheim, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, gọi những bình luận của ông Hegseth là "nhượng bộ trước thực tế".
“Nhận định này không đồng nghĩa Mỹ sẵn sàng công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine là lãnh thổ hợp pháp của Nga” - ông Wertheim nói, cho biết thêm việc loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO “báo hiệu với Nga rằng hai bên có thể đạt được một giải pháp thực tế”.
Khoáng sản đổi an ninh
Phát biểu của ông Trump và ông Hegseth trùng với chuyến thăm Kiev của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Ông Bessent cho biết một thỏa thuận về khoáng sản giữa Kiev và Washington sẽ cung cấp “lá chắn an ninh” hậu xung đột cho Ukraine. Còn Tổng thống Zelensky chia sẻ Ukraine sẵn sàng mở cửa tài nguyên khoáng sản cho nhà đầu tư Mỹ.
Cùng ngày 12-2, ông Trump ám chỉ một thỏa thuận khoáng sản sẽ đảm bảo nguồn tài trợ của Mỹ cho Ukraine: "Tôi từng nói với ông Biden: 'Ông nên yêu cầu một khoản vay hoặc một loại bảo đảm, như dầu khí, để đổi lấy số tiền (viện trợ)'".
Ông John Herbst - Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2003-2006 - nói Mỹ đã đánh mất một số lợi thế trước Nga, nhưng chuyến thăm Kiev vừa qua của ông Bessent là một tín hiệu tích cực.
"Ông Trump đề xuất đổi vũ khí Mỹ lấy khoáng sản Ukraine. Vì vậy, theo logic của ông Trump, đây là cách để gửi vũ khí cho Ukraine" - ông Herbst nói - "Đây là vấn đề quan trọng và rất tích cực".
Tuy nhiên, một thỏa thuận chóng vánh với các điều khoản không phân bổ lợi ích đồng đều sẽ là tiền lệ nguy hiểm. Nhà lập pháp Anh James Cleverly cho rằng việc khởi động đàm phán bằng cách nêu rõ một bên nên từ bỏ điều gì "không phải một bước đi mạnh mẽ".
Ngày 12-2, Điện Kremlin cho biết ông Putin và ông Trump đồng ý gặp nhau và tổng thống Nga đã mời người đồng cấp Mỹ sang thăm Moscow. Ông Brett Bruen - cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - ví việc ông Trump đồng ý gặp ông Putin giống hai hội nghị thượng đỉnh cấp cao trong nhiệm kỳ đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Song sau cùng, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. |
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Putin không phải là cách Mỹ bỏ rơi Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth...
Nguồn: [Link nguồn]
-14/02/2025 17:00 PM (GMT+7)