Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO: Sẵn sàng cho xung đột trực tiếp với Nga nếu nó nổ ra
Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO khẳng định khối quân sự này đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga nếu nó bùng nổ.
Đài RT ngày 29-1 đưa tin Chủ tịch Uỷ ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Rob Bauer tuyên bố tổ chức này sẵn sàng đối đầu với Nga nếu một cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên nổ ra.
Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO Rob Bauer. Ảnh: Johanna Geron/REUTERS
Cụ thể, trả lời phỏng vấn đài RTP TV (Bồ Đào Nha), ông Bauer khẳng định “chúng tôi đã sẵn sàng” khi trả lời câu hỏi về việc liệu khối quân sự do Mỹ lãnh đạo đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga hay chưa.
Ông Bauer cũng lưu ý kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi tháng 2 năm ngoái, NATO đã triển khai nhiều nhóm chiến đấu dọc theo sườn phía đông châu Âu. Ông Bauer cũng tiết lộ rằng trong cuộc họp thượng đỉnh của khối hồi tháng 6-2022, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định thành lập thêm bốn nhóm chiến đấu tại Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria.
"Tôi nghĩ, đó là một thông điệp quan trọng đối với Nga rằng lập trường của chúng tôi đã thay đổi, đồng thời cho họ thấy rằng chúng tôi đã sẵn sàng nếu họ có ý định tấn công NATO” - ông Bauer nhấn mạnh.
Quan chức NATO này khẳng định nếu có bất kỳ lằn ranh đỏ nào liên quan tới quan hệ giữa Nga và NATO thì "đó chính là người Nga vượt qua biên giới lãnh thổ” của khối quân sự này".
Bên cạnh đó, ông Bauer nói trong nhiều thập niên qua, các nước NATO cho rằng họ mới chính là những người quyết định thời gian và địa điểm triển khai quân đội, song cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi tư duy trên.
Theo quan chức này, Moscow đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine “vào thời điểm do họ quyết định”, do đó NATO phải sẵn sàng hơn rất nhiều vì “điều đó tùy thuộc vào Nga”.
Ngoài ra, ông Bauer khẳng định việc phương Tây viện trợ các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine "không phải là hành động leo thang".
Chủ tịch Uỷ ban Quân sự NATO cũng cho biết cả phương Tây và Nga đều phải đối mặt với nhu cầu tăng cường nỗ lực sản xuất vũ khí và thiết bị, trong đó các nước thành viên NATO cần có một cuộc tranh luận về các ưu tiên sản xuất quân sự. Theo ông điều đó có nghĩa NATO cần “bàn về kinh tế thời chiến trong thời bình”, mặc dù ông thừa nhận đó là một khó khăn đối với khối.
Tuy nhiên, vào tuần trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng cho đến nay “hoàn toàn không có dấu hiệu” cho thấy Moscow lên kế hoạch tấn công lãnh thổ NATO.
Thủ tướng quốc gia thành viên NATO cho rằng các đồng minh cần cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine để tránh viễn cảnh Kiev thất bại.
Nguồn: [Link nguồn]