Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở lại châu Âu

Các nhà lãnh đạo Hungary và Serbia là những người ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sắp có chuyến thăm các nước Pháp, Serbia, Hungary từ ngày 5 đến 10-5. Trong số này, Pháp và Hungary là thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong khi Serbia là ứng viên chờ gia nhập khối này.

Theo Tân Hoa Xã, đây là chuyến công du châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong gần 5 năm, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ song phương và sự hợp tác có lợi cho cả hai bên.

 Trong khi đó, trang Bloomberg nhận định chuyến đi diễn ra trong bối cảnh EU đang điều tra về chính sách công nghiệp của Trung Quốc, cũng như đang dần có được tiếng nói thống nhất hơn với Mỹ về việc phản đối năng lực xuất khẩu giá rẻ của Bắc Kinh và những rủi ro về an ninh quốc gia. Bất chấp diễn biến này, cả Pháp, Serbia, Hungary đều đang tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc.

Tâm điểm của chuyến công du chắc chắn là hoạt động của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Pháp. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 Trang Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn tăng cường mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình, cũng như đặt mục tiêu thu hút đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực pin xe điện của nước chủ nhà. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 4-2023 Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 4-2023 Ảnh: Reuters

Một sự kiện đáng chú ý là cuộc gặp 3 bên dự kiến giữa Tổng thống Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trước thềm chuyến đi của ông Tập Cận Bình, bà Ursula von der Leyen cáo buộc các biện pháp trợ cấp của Trung Quốc cho công nghệ xanh là hành vi cạnh tranh không công bằng. 

Vì thế, theo tờ South China Morning Post, chuyến thăm hai nước Serbia và Hungary được xem là đối trọng đối với sức ép chính trị và kinh tế từ EU. Hungary và Trung Quốc năm nay kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, Serbia là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic là những người ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. 

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2023, Thủ tướng Orban và lãnh đạo nước chủ nhà đã ký một loạt thỏa thuận kinh tế. Hai tháng sau đó, BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, đã công bố kế hoạch thành lập một nhà máy ở miền Nam Hungary. 

Đây sẽ là cơ sở sản xuất ô tô chở khách đầu tiên của BYD ở châu Âu và là trung tâm của hoạt động sản xuất ở châu lục này. Hungary cũng là điểm đến chính cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào pin xe điện tại châu Âu.

Trong khi đó, tại Serbia, dòng đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây đã vượt xa các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp. Đầu năm nay, hai công ty Shanghai Fengling Renewables và Zijin Mining của Trung Quốc công bố dự án năng lượng gió và mặt trời trị giá 2 tỉ euro. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo tại Serbia.

Trang Bloomberg chỉ ra rằng khi ông Tập Cận Bình đến thăm Tây Âu hồi năm 2019, nền kinh tế của Trung Quốc và khu vực đồng euro có quy mô gần như nhau tính theo USD. Giờ đây, kinh tế Trung Quốc lớn hơn khu vực đồng euro gần 15% và khoảng cách này được dự báo tăng gấp đôi trước cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, thâm hụt thương mại hàng hóa của EU và Trung Quốc vẫn ở mức cao (291 tỉ euro năm 2023), khiến EU điều tra về các khoản trợ cấp của Bắc Kinh cho các thương hiệu xe điện trong nước.

Ông Cui Hongjian, chuyên gia tại Trường ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc cần gửi thông điệp rõ ràng hơn đến công chúng châu Âu rằng họ vẫn là một đối tác đáng tin cậy. Điều này tóm lại là cung cấp chính sách thuận lợi hơn cho các nước và công ty châu Âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26/4 đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Bắc Kinh. Ông Tập nói Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ, nhưng nên là hợp tác hai chiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN