Chống Covid-19 hiệu quả, Việt Nam gặt hái lợi ích chiến lược

Hoạt động xuất khẩu khẩu trang và các bộ dụng cụ xét nghiệm giúp Việt Nam giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế.

Các công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang tại một cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên cuối tháng 3 Ảnh: REUTERS

Các công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang tại một cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên cuối tháng 3 Ảnh: REUTERS

Các trường học và phương tiện công cộng hoạt động trở lại và gần một tháng trôi qua, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng. Đó là nội dung mở đầu bài viết trên báo The Straits Times (Singapore) hôm 12-5, theo đó nhận định Việt Nam đang gặt hái những lợi ích chiến lược từ phản ứng nhanh nhạy đối với dịch Covid-19.

Bài viết dẫn lời các chuyên gia tư vấn kinh doanh cho biết giới đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tăng sức ép buộc họ nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. "Trong 1-2 tháng đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, mọi thứ bị đình trệ. Tuy nhiên, chúng tôi hiện nhận thấy ngày càng có nhiều email và cuộc gọi từ các công ty quan tâm đầu tư vào Việt Nam" - ông Trent Davies, quản lý tư vấn kinh doanh quốc tế của Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates , cho biết.

Hoạt động xuất khẩu khẩu trang và các bộ dụng cụ xét nghiệm cũng đang giúp Việt Nam giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế. So với các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore (những nơi đã ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm Covid-19), Việt Nam có số ca bệnh thấp hơn nhiều (chưa đến 300) thông qua sự kết hợp giữa các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly, xét nghiệm và truy tìm những trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm từ sớm.

Đáng chú ý, Việt Nam đã tự sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm trong nước và chúng đang được sản xuất hàng loạt để xuất khẩu sang các nước như Iran, Phần Lan và Malaysia. Bộ xét nghiệm do các nhà nghiên cứu Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển cho kết quả chỉ sau khoảng một giờ. Sản phẩm này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Anh phê duyệt vào tháng trước và được phép xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, Công ty Vắc-xin Vabiotech của Việt Nam đã hợp tác với Trường ĐH Bristol (Anh) để bắt đầu thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 trên chuột.

Song song đó, hoạt động sản xuất khẩu trang cũng đang được tăng cường, giúp bù đắp những thiệt hại cho ngành công nghiệp may mặc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu ở phương Tây. Ngay cả trước khi quy định giới hạn xuất khẩu được dỡ bỏ vào cuối tháng trước, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 80 triệu khẩu trang đến các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc trong nửa đầu tháng 4. Bên cạnh đó, Pháp cũng đang có nhu cầu mua số lượng lớn khẩu trang từ Việt Nam khi nước này bắt buộc người dân sử dụng khẩu trang tham gia giao thông công cộng và tại các trường trung học trong bối cảnh nới lỏng tình trạng phong tỏa toàn quốc. Việt Nam cũng đã tặng hơn 1 triệu khẩu trang cho các nước như Campuchia, Lào, Mỹ, Nga…

Cũng nhờ khống chế dịch Covid-19 thành công, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên vực dậy ngành du lịch trước một loạt nước khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Đó là nhận định được Công ty Truyền thông Skift (Mỹ), chuyên cung cấp các dịch vụ tin tức, nghiên cứu và tiếp thị cho ngành du lịch đưa ra hôm 12-5. 

Sáng tạo, minh bạch

Truyền thông quốc tế hôm 12-5 tiếp tục ca ngợi công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam và cho rằng đây là thành tựu mà nhiều nước trên thế giới "phải ghen tị". Trong bài viết có tựa đề: "Làm thế nào mà Việt Nam, một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, chống Covid-19 tốt như vậy?", đài ABC (Úc) nhận định chìa khóa thành công của Việt Nam là chiến lược xét nghiệm, truy dấu tích cực cùng với các chiến dịch truyền thông công cộng hiệu quả, nhanh chóng và quyết liệt. "Công tác đánh giá rủi ro đầu tiên được Việt Nam tiến hành vào đầu tháng 1, ngay khi các trường hợp nhiễm virus ở Trung Quốc bắt đầu được báo cáo" - đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park, cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Mike Toole của Viện Nghiên cứu Burnet (Úc) đánh giá Việt Nam "có lẽ hành động nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào bên ngoài Trung Quốc" và điều này được thể hiện qua những động thái như sớm bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngưng mọi chuyến bay quốc tế, nỗ lực phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19... "Đến thời điểm đầu tháng 3, trong khi Mỹ còn chưa có bộ dụng cụ xét nghiệm hiệu quả nào thì các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển thành công 3 bộ hiệu quả, chi phí thấp" - ông Toole cho biết, đồng thời đánh giá cao sự minh bạch và sáng tạo của chính phủ Việt Nam ngay từ đầu.

Cao Lực

Chuyên gia: Ngày càng có nhiều công ty muốn đầu tư vào Việt Nam trong dịch Covid-19

Các trường học đã mở cửa và phương tiện công cộng đã quay lại hoạt động bình thường tại Việt Nam. Gần một tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN