Chính sách ngoại giao dưới thời Trump 2.0 sẽ như thế nào?
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, diễn ra sau một chiến dịch tranh cử nhiều biến động, nhận được lời chúc mừng từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Các hãng thông tấn Mỹ đã gọi tên ông Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, đánh dấu sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Ông Trump nổi tiếng với chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Ảnh minh họa Getty Images.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Trump đã hứa sẽ giải quyết một loạt các vấn đề trong nước, bao gồm nhập cư và lạm phát. Ông cũng báo hiệu sự trở lại của chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”, từng được ông áp dụng mạnh mẽ trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Trump đưa ra những tuyên bố hùng hồn rằng có thể chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, mang lại hòa bình cho Trung Đông và áp đặt sự kìm hãm đối với Trung Quốc, một trong những đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ.
Mặc dù từ lời nói đến hành động còn một khoảng cách xa, các chuyên gia vẫn nhận định rằng ông Trump là người “đã nói là làm”.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với vô số thách thức – từ cuộc khủng hoảng khí hậu đến các cuộc chiến ở Ukraine, Gaza và Lebanon – thì hướng đi của ông Trump về chính sách đối ngoại sẽ có những tác động sâu rộng. Vậy, chính sách của “chính quyền Trump 2.0” sẽ có những điểm gì nổi bật?
Trung Đông đầy bất ổn đón chờ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng mô tả ông Trump là “người bạn tốt nhất mà Israel từng có tại Nhà Trắng”. Khi còn tại nhiệm, ông Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem trong một động thái bị người Palestine và các chuyên gia luật quốc tế lên án. Ông cũng công nhận tuyên bố của Israel đối với Cao nguyên Golan bị chiếm đóng ở Syria.
Israel đang tiến hành các cuộc chiến ở Gaza và Lebanon trong khi phải đối đầu với Iran. Như vậy, một Trung Đông đầy bất ổn đang chờ đón chính quyền mới của ông Trump.
Ông từng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Israel nhằm tiêu diệt Hamas ở Palestine nhưng cũng từng nhấn mạnh rằng Thủ tướng Netanyahu phải “hoàn thành công việc một cách nhanh chóng”.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel. Chính sách của ông đối với Israel có thể sẽ không có ràng buộc nào đối với các mối quan tâm nhân đạo, thậm chí, ông Trump có thể trao cho đồng minh quyền ứng xử tự do hơn hơn với Iran.
Tuy nhiên, ông Trump có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới nếu Iran, quốc gia đã đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân kể từ khi ông từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm 2018..
Khi còn tại vị, ông đã chủ trì việc ký kết Hiệp định Abraham giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain. Nhưng những thỏa thuận ngoại giao đó không giúp thúc đẩy nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Ông Trump có thể sẽ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel và Arab Saudi, một nỗ lực được khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và cũng được ông Biden theo đuổi.
Ông Trump duy trì lập trường cứng rắn với Iran. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2015 mà theo đó Iran sẽ thu hẹp chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nền kinh tế của nước này.
Sau đó, chính quyền của ông đã áp đặt các lệnh trừng phạt tàn khốc đối với Tehran và cho phép ám sát tướng Iran Qassem Soleimani, một cuộc tấn công đã làm gia tăng căng thẳng trên khắp khu vực.
“Khi tôi còn là Tổng thống, Iran đã hoàn toàn bị kiểm soát. Họ đã bị thiếu tiền, bị kiềm chế hoàn toàn và tuyệt vọng muốn đạt được một thỏa thuận”, ông nói trong một tuyên bố chiến dịch vào đầu tháng 10.
Chiến sự Nga- Ukraine
Cách ông Trump phản ứng với cuộc chiến Nga-Ukraine có thể định hình chương trình nghị sự của ông và báo hiệu cách ông sẽ đối phó với NATO và các đồng minh quan trọng của Mỹ, sau khi Tổng thống Biden nỗ lực xây dựng lại các mối quan hệ quan trọng đã rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chúc mừng ông Trump trên mạng xã hội X, mô tả cách tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh của ông Trump là “nguyên tắc có thể thực tế mang lại hòa bình công bằng ở Ukraine gần hơn”.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ giải quyết cuộc chiến giữa Ukraine và Nga trong vòng 24 giờ sau khi trở lại nhiệm sở. “Nếu tôi là Tổng thống, tôi sẽ giải quyết cuộc chiến đó trong một ngày”, ông nói với CNN vào năm ngoái.
Khi được hỏi ông sẽ làm điều đó như thế nào, ông Trump đưa ra ít chi tiết nhưng cho biết ông có kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. “Cả hai đều có điểm yếu và cả hai đều có điểm mạnh, và trong vòng 24 giờ, cuộc chiến đó sẽ được giải quyết”, ông Trump khẳng định.
Ông Trump cũng chỉ trích yêu cầu của ông Zelensky về việc Mỹ hỗ trợ thêm cho Ukraine.
Năm ngoái, ông Trump nhấn mạnh rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công Ukraine vào năm 2022 nếu ông ở Nhà Trắng, đồng thời chỉ trích sự ủng hộ của ông Biden đối với Ukraine.
Ông Trump, người đã nhiều năm chỉ trích các thành viên NATO không đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự đã thỏa thuận, đã cảnh báo trong chiến dịch rằng ông sẽ không chỉ từ chối bảo vệ các quốc gia “trễ hạn” về tài trợ mà còn khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với họ.
“NATO sẽ phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập”, Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền Tổng thống Barack Obama cho biết.
Trung Quốc
Ông Trump đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong chiến dịch của mình, ám chỉ rằng ông sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm từ EU. Nhiều nhà kinh tế cho rằng những động thái như vậy sẽ dẫn đến giá cả cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ và gieo rắc bất ổn tài chính toàn cầu.
Ông cũng cảnh báo sẽ mạnh tay hơn nhiệm kỳ đầu tiên của mình khi thực hiện một cách tiếp cận đối với Trung Quốc, chính sách từng khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cuộc chiến thương mại.
Nhưng cũng giống như trước đây, ông Trump đã đưa ra một thông điệp trái chiều, mô tả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người tài giỏi và lãnh đạo bằng “nắm đấm sắt”.
Một điều chưa chắc chắn là ông Trump sẽ xây dựng đội ngũ an ninh quốc gia của mình như thế nào.
Nhiều cựu trợ lý hàng đầu, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và chánh văn phòng đầu tiên của ông là John Kelly, đã bất đồng quan điểm với ông trước cuộc bầu cử, coi ông là không phù hợp với chức vụ.
Ông Trump vẫn im lặng về việc ông có thể bổ nhiệm ai nhưng một số nguồn tin cho thấy Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia gần nhất của ông, có khả năng sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Ông dự kiến sẽ đưa những người trung thành vào các vị trí quan trọng trong Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và CIA.
Các lãnh đạo Ukraine và EU hy vọng vào sự hợp tác với chính quyền mới ở Mỹ nhưng cũng lo ngại về sự bất định tiềm tàng trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông...
Nguồn: [Link nguồn]