Chính sách đối ngoại của Trump đã có cách đây… 30 năm
Các chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại cho rằng, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang hiện thực hóa những quan điểm cá nhân mà ông từng tuyên bố cách đây gần 30 năm.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), chính sách đối ngoại của Donald Trump đang là điều các nhà quan sát trên thế giới theo dõi sát sao.
Mặc dù ông Trump không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, những gì tỷ phú Mỹ thể hiện đã nhen nhóm từ cách đây rất lâu, trước khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong vòng 30 năm qua, có những thứ ông Trump không bao giờ thay đổi, theo Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao dưới thời Geogre W. Bush.
“Hãy chú ý đến những gì ông Trump nói. Đó chính là dấu hiệu cho biết ông ấy sẽ làm như thế nào”, ông Burns, hiện là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Havard Kennedy nói.
Từ những năm 1980, tỷ phú bất động sản New York đã bắt đầu xuất hiện trên truyền hình, trong những cuộc phỏng vấn trên báo giấy, bày tỏ sự không hài lòng về việc Nhật Bản xuất khẩu xe ôtô và thiết bị điện tử giá rẻ sang Mỹ, đánh bại nền kinh tế Mỹ.
Bức thư ngỏ ông Trump chi tiền để đăng lên các trang báo Mỹ năm 1987.
Ở thời điểm đó, Nhật Bản là đối thủ chính của nền kinh tế Mỹ. Các công ty Nhật mua nhiều tài sản ở Mỹ như Trung tâm Rockefeller tại Mahattan.
Ngày 2.9.1987, ông Trump chi 94.801 USD để đăng tải thư ngỏ lên trang quảng cáo của các tờ New York Times, Washington Post, Boston Globe. “Hãy làm cho Nhật Bản, Saudi Arabia và các nước khác trả tiền bảo vệ trong khi chúng ta mở rộng đồng minh”, nội dung bức thư viết.
Ông Trump hối thúc nước Mỹ “đánh thuế những quốc gia giàu có này” và giúp cho kinh tế Mỹ phát triển “nhờ chi phí bảo vệ những quốc gia muốn được an toàn trong sự tự do”.
“Hãy không để một quốc gia lớn như Mỹ bị cười vào mặt một lần nào nữa”, ông Trump kết luận trong bức thư.
Ngày nay, Tỷ phú Mỹ lập luận tương tự trong chiến dịch tranh cử tổng thống, hình thành nên câu nói nổi tiếng: “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ” và “đánh cắp việc làm”.
Giáo sư Burns phân tích, ông Trump cũng bày tỏ sự không hài lòng trong chính sách thương mại, đồng minh và sự cam kết quá mức trong quân sự.
Người ủng hộ Donald Trump giơ cao biểu ngữ "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Burns nói Donald Trump đã sai lầm. John Negroponte, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, cựu thứ trưởng ngoại giao dưới thời Geogre W. Bush và hiện là Giáo sư của Đại học Geogre Washingtonnois, nói việc Trump “khai tử” TPP sẽ tạo “cơ hội ngắn hạn” cho Trung Quốc.
Lời kêu gọi nước Mỹ đánh thuế quốc gia khác của ông trump năm 1987 cũng xuất hiện trong chiến dịch tranh cử, khi cam kết áp thuế 45% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giáo sư Burns nhận định, chính quyền Trump sẽ tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Lời cảnh báo rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản trừ khi đóng góp tài chính nhiều hơn của ông Trump phù hợp với những gì tỷ phú Mỹ viết trong lá thư năm 1987.
Mặc dù điều này có thể có lợi cho Mỹ, nhưng những gì ông Trump nói đã làm tổn hại đến quan hệ với hai đồng minh chiến lược và làm xói mòn nền tảng sức mạnh quốc tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Ngày 17.11 tại New York, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ đắc cử Trump, hy vọng xây dựng “niềm tin”.
“Tôi hy vọng ông Trump sẽ thay đổi quan điểm với Nhật Bản vì Tokyo là đồng minh hết sức quan trọng với Mỹ”, ông Burns nói.
Về tuyên bố đặt nước Mỹ lên hàng đầu và tránh cho Washington phải đóng vai trò “cảnh sát toàn cầu”, dẫn đến những tranh luận về việc liệu ông Trump có phải là người theo chủ nghĩa cô lập hay không.
Nhưng Michael Chertoff, cựu bộ trưởng an ninh nội địa dưới thời Geogre W. Bush và Barack Obama cho rằng, ông Trump muốn cân bằng giữa sức mạnh và tầm ảnh hưởng theo quan điểm của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.
Binh sĩ quân đội Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận.
Jane Harman, Chủ tịch Trung tâm chính sách Wilson có trụ sở tại Washington nói, không một ai trong số các quan chức ngoại giao hàng đầu được lựa chọn dưới thời Trump là người theo chủ nghĩa cô lập.
Ông Trump hiện chưa lựa chọn người đảm nhiệm vị trí bộ trưởng ngoại giao, dấu hiệu quan trọng định hướng chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền mới.
Cựu bộ trưởng an ninh nội địa Chertoff kết luận, ông Trump sẽ không đưa nước Mỹ trở về truyền thống bảo thủ, với hàng loạt quy định của đảng Cộng hòa. Nhưng tỷ phú Mỹ sẽ “tự lãnh đạo đất nước theo quan điểm cá nhân”.
“Điều quan trọng là, liệu ông Trump có lắng nghe lời khuyên của các cố vấn hay không?”, Jane Harman nói.