Chính quyền Syria sụp đổ, Trung Đông lo ngay ngáy
Ông Bashar al-Assad đã từ chức tổng thống và rời khỏi Syria vào sáng sớm 8/12, khi liên minh các nhóm nổi dậy tiến công chớp nhoáng và giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus. Phe đối lập ở Syria đã đổ ra đường ăn mừng sự sụp đổ của ông Assad. Nhưng cũng không ít người bày tỏ lo ngại về tương lai Syria và Trung Đông, trong bối cảnh khu vực này đang vô cùng bất ổn.
Xe tăng đậu bên lề đường ở Damascus, dưới tấm biển quảng cáo in hình cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Ảnh: Reuters)
Nhóm nổi dậy do phong trào Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã giành quyền kiểm soát các thành phố lớn Aleppo, Hama và Homs trong vòng chưa đầy hai tuần, khi lực lượng Chính phủ Syria rút lui nhanh chóng.
Các đồng minh mạnh mẽ của Syria là Nga và Iran dường như cũng bị bất ngờ trước bước tiến nhanh chóng này, khi Nga đang tập trung cho chiến dịch quân sự ở Ukraine còn các lực lượng thân Iran bị suy yếu trong các cuộc đụng độ với Israel.
Sự sụp đổ của chính quyền ông Assad đã khiến không ít người lo ngại về những hậu quả tiềm tàng của tình trạng mất quyền lực đột ngột, ở một quốc gia mà các nhóm vũ trang và các thế lực nước ngoài từ lâu đã tranh giành ảnh hưởng. |
Geir Pedersen, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, cho biết hôm 8/12 rằng có "những thông điệp trái ngược" phát đi từ Damascus, nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tránh đổ máu" và kêu gọi đối thoại, chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp.
Ưu tiên trước mắt của cộng đồng quốc tế là bảo vệ các kho vũ khí hóa học ở Syria để chúng không rơi vào tay các nhóm vũ trang.
"Bất kỳ kho vũ khí hóa học hoặc vật liệu liên quan nào cũng phải được bảo vệ", Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 8/12.
Theo tờ Jerusalem Post, Không quân Israel đã tấn công một nhà máy vũ khí hóa học của Syria để ngăn nó rơi vào tay phiến quân. Israel chưa bình luận về thông tin này.
Khói bốc lên ở Damascus hôm 8/12. (Ảnh: Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã bật đèn xanh cho cuộc tấn công do HTS dẫn đầu, sau khi trở nên thất vọng về việc ông Assad từ chối hợp tác với Ankara.
“Chính quyền Syria mới phải được thành lập một cách có trật tự. Nguyên tắc này không bao giờ được đem ra thỏa hiệp”, ông Fidan nói và cho biết thêm rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không liên lạc với ông Assad.
Phát biểu tại Diễn đàn Doha ở Qatar hôm 7/12, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh Mátxcơva đang làm mọi cách để đảm bảo rằng "những kẻ khủng bố" sẽ không thể thắng thế ở Syria. Tuyên bố này ám chỉ HTS, bị Liên Hợp Quốc và Mỹ chỉ định là một nhóm khủng bố. Nhưng các lãnh đạo của nhóm này đã tìm cách thể hiện lập trường ôn hòa hơn trong những năm gần đây.
Ông Lavrov đã gặp người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị thượng đỉnh ngày 7/12 để thảo luận về tình hình ở Syria. Tối cùng ngày, các quan chức từ ba quốc gia đã nhóm họp một lần nữa với các bộ trưởng ngoại giao của năm quốc gia Ả-rập. Họ thảo luận đến tận khuya trong một phòng họp tại Khách sạn Sheraton.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, các bộ trưởng kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự và tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được thông qua vào năm 2015.
Sáng 8/12, ông Assad rời đi. Mátxcơva sau đó xác nhận ông Assad và gia đình đã được cấp quyền tị nạn tại Nga "vì lý do nhân đạo". |
Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria thuộc Viện Trung Đông (trụ sở tại Washington), cho biết một vấn đề đáng quan tâm khác là khả năng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn từng kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq, sẽ cố gắng lợi dụng tình hình để trỗi dậy. Ngoài ra còn có câu hỏi về việc có nên đưa HTS vào các cuộc đàm phán trong tương lai hay không.
Sự sụp đổ của Chính phủ Syria xảy ra gần 14 tháng sau khi phong trào Hamas ở Dải Gaza tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Israel (ngày 7/10/2023), dẫn đến một chuỗi sự kiện làm đảo lộn Trung Đông. Cái gọi là "Trục kháng chiến" của Iran đã bị thiệt hại nặng nề trong các chiến dịch của Israel ở Dải Gaza và Li-băng. Trong khi các cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào Iran được cho là đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tên lửa và phá hủy một số hệ thống phòng không của nước này.
Tình hình bất định ở Syria cũng có "những tác động to lớn" đối với nước láng giềng Li-băng, Amos Hochstein - đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Hezbollah - cho biết tại một sự kiện ở Diễn đàn Doha hôm 7/12.
Syria được coi là là tuyến đường bộ chính để Iran chuyển giao vũ khí cho Hezbollah, đóng tại Li-băng. "Tôi nghĩ những gì xảy ra ở Syria đang tạo ra một điểm yếu mới cho Hezbollah", Hochstein nói.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 8/12 đã ăn mừng và nhận công về sự sụp đổ chớp nhoáng của ông Assad, cho rằng đó là "hậu quả trực tiếp của những đòn tấn công mà Israel đã giáng vào Iran và Hezbollah, những đồng minh thân cận của chính quyền Assad".
Shalom Lipner, cựu cố vấn của một số thủ tướng Israel, cho biết nước này có thể lạc quan về sự sụp đổ của ông Assad, nhưng cần theo dõi chặt chẽ cuộc đua lấp đầy khoảng trống quyền lực mà ông để lại. Lipner nói: "Rõ ràng là có rất nhiều mối lo ngại về việc ai sẽ tiếp quản. Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là mối quan tâm của Israel mà còn là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế".
Giới chuyên gia đang tranh luận về việc liệu vị thế của Nga ở Trung Đông có bị lung lay khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Nguồn: [Link nguồn]