Chính quyền quân sự Niger tố Pháp vi phạm không phận, âm mưu gây tổn hại quốc gia
Chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp vi phạm không phận của nước này, giải thoát những kẻ khủng bố bị giam giữ với âm mưu làm suy yếu quốc gia Tây Phi.
Hai chiến đấu cơ Pháp cất cánh từ căn cứ quân sự ở Niamey, Niger vào ngày 22/12/2017.
Pháp đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của chính quyền quân sự Niger, cho rằng việc các máy bay quân sự Pháp bay vào không phận Niger là hợp pháp, theo RT.
Trong tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia, đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự nói máy bay quân sự Pháp xâm nhập không phận Niger một cách bất hợp pháp. Chính quyền quân sự đã thông báo đóng cửa không phận từ ngày 6/8.
Đại tá Amadou Abdramane cũng cáo buộc quân đội Pháp giải thoát cho hàng chục kẻ khủng bố đang bị Niger giam giữ. Kết quả là một vụ tấn công vào một trại quân sự Niger xảy ra vào ngày 9/8.
Cùng ngày, một cựu thủ lĩnh phe nổi dậy ở Niger đã tuyên bố khởi xướng phong trào chống đảo chính nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Không rõ hai sự việc trên có liên quan đến nhau hay không. "Điều mà chúng tôi thấy là một kế hoạch gây tổn hại cho quốc gia", ông Abdramane nói.
Bộ Ngoại giao Pháp đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của chính quyền quân sự Niger. Pháp khẳng định không có bất cứ kẻ khủng bố nào được giải thoát và không có vụ tấn công nào nhằm vào trại lính của Niger.
Pháp nói các máy bay quân sự xâm nhập không phận Niger là hoàn toàn hợp pháp theo thỏa thuận ký với chính quyền của Tổng thống Bazoum.
Sau khi lật đổ ông Bazoum, các tướng lĩnh Niger đã lập ra chính quyền quân sự, tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước và thỏa thuận quân sự ký với Pháp. Paris hiện vẫn duy trì khoảng 1.500 binh sĩ ở Niger và lực lượng này chưa có dấu hiệu sẽ rời khỏi quốc gia Tây Phi.
Chính quyền quân sự cũng đã thông báo không còn cho phép Pháp tự do khai thác khoáng sản, vàng và uranium ở Niger. Đại đa số người dân Niger đã bày tỏ sự ủng hộ khi chính quyền quân sự cắt quan hệ với Pháp, cho rằng Paris là nguyên nhân khiến cựu thuộc địa của Pháp vẫn nghèo đói dù là nước sở hữu tài nguyên khoáng sản dồi dào.
Nguồn: [Link nguồn]
Dấu hiệu phản kháng đảo chính đầu tiên xuất hiện ở Niger, khi một cựu thủ lĩnh phiến quân tuyên bố lập phong trào chống lại chính quyền quân sự ở nước này.