Chính quyền ông Trump tiếp tục giáng đòn Trung Quốc
Chính quyền ông Trump đã nỗ lực trong những ngày cuối nắm quyền để kiềm chế Trung Quốc. Một trong những công ty lớn lần này bị nhắm tới là Xiaomi.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi lọt vào danh sách "đen" của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Theo SCMP, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 14/1 đã đưa thêm 9 công ty Trung Quốc vào danh sách "đen" các công ty bị cáo buộc có liên quan tới quân đội Trung Quốc, nâng tổng số lên 44 công ty.
Các công ty mới được thêm vào bao gồm, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) - nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước.
Theo Thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Mỹ, Keith Krach, sau loạt 9 công ty nói trên, chính quyền của ông Trump khó có thể đưa thêm các công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
Ông Krach cho biết thêm, các "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay Baidu, đều "có tính chiến lược cao" với quân đội Trung Quốc. Hôm 13/1, các nguồn tin cho biết chính quyền ông Trump đã loại bỏ các kế hoạch đưa 3 "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 14/1 cũng bổ sung tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) - chủ sở hữu giàn khoan HD 981, vào danh sách đen kinh tế của Mỹ, nói rằng, tập đoàn này đã giúp Trung Quốc "đe dọa" các nước láng giềng ở Biển Đông.
"Các hành động liều lĩnh và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và việc nước này thúc đẩy tìm kiếm tài sản trí tuệ, công nghệ nhạy cảm để quân sự hóa là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố hôm 14/1.
Cũng liên quan tới CNOOC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố các hạn chế về thị thực với các cá nhân ở Trung Quốc, bao gồm "các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước, quan chức hải quân Trung Quốc và quan chức quân đội Trung Quốc - liên quan tới việc cải tạo quy mô, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
"Mỹ và các quốc gia tuân thủ luật pháp cùng tập trung bảo tồn một Biển Đông tự do và cởi mở. Tất cả các quốc gia, bất kể tiềm lực quân sự và kinh tế, nên được hưởng các quyền và đảm bảo tự do trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, được ghi trong Công ước về Luật biển năm 1982", ông Pompeo nói.
"Washington sát cánh với các nước Đông Nam Á đang tìm cách bảo vệ quyền lợi chủ quyền của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi thấy Bắc Kinh ngừng các hoạt động ngang ngược ở Biển Đông", Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố hôm 14/1.
Chính quyền ông Trump đang tận dụng những ngày cuối để kiềm chế Trung Quốc. Ảnh: Sky News
Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 24 công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vào "danh sách thực thể" - là các công ty mà nhà sản xuất Mỹ không được phép giao dịch và làm ăn cùng trừ khi các công ty Trung Quốc có giấy phép đặc biệt để giao dịch.
Chính quyền ông Trump đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump chỉ còn một tuần cuối cùng. Washington chuyển sang mở rộng các chính sách chống lại Trung Quốc nhằm giải quyết các lo ngại ngày càng cao của Washington về những tiến bộ mà Bắc Kinh đạt được trong lĩnh vực công nghệ và quân sự, cũng như những mối đe dọa mà họ có thể gây ra với an ninh quốc gia Mỹ.
Bị luận tội 2 lần, thậm chí là có thể bị phế truất, ông Trump vẫn không quên củng cố di sản là các lệnh trừng phạt...
Nguồn: [Link nguồn]