Chính quyền al-Assad sụp đổ, vị thế của Nga ở Trung Đông sẽ thế nào?
Giới chuyên gia đang tranh luận về việc liệu vị thế của Nga ở Trung Đông có bị lung lay khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Ngày 8-12, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo Syria trong hơn 50 năm đã sụp đổ với việc phe nổi dậy tuyên bố kiểm soát thủ đô Damascus. Truyền thông Nga đưa tin Tổng thống al-Assad đã chạy sang Nga.
Nga từ lâu được biết đến là một đồng minh lớn của chính quyền ông al-Assad và có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Syria. Những diễn biến tại quốc gia Trung Đông này đã đặt ra câu hỏi liệu vị thế và sức mạnh của Nga trong khu vực sẽ chịu ảnh hưởng thế nào.
Đòn giáng mạnh vào vị thế của Nga
Nhiều nhà quan sát cho rằng chính quyền ông al-Assad sụp đổ là đòn giáng địa chính trị lớn nhất trong những thập niên qua của Nga và làm suy yếu đáng kể vị thế của nước này ở Trung Đông, theo tờ The New York Times.
Sở dĩ Nga rơi vào thế này phần lớn là vì lực lượng Nga đang bận chiến đấu ở Ukraine, không thể giúp chính quyền ông al-Assad chặn đà tiến công như vũ bão của phe nổi dậy, khi chỉ hơn 1 tuần lực lượng này đã càn quét qua nhiều thành phố lớn của Syria và chiếm được thủ đô Damascus.
Các chiến binh của lực lượng nổi dậy Syria ăn mừng gần Tháp Đồng hồ ở TP Homs ngày 8-12. Ảnh: AFP
Ngoài ra, ông Eugene Rumer - Giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington (Mỹ) - cho rằng đây cũng là một tổn thất về mặt ngoại giao và danh tiếng của Nga. Lý do là Nga không cứu được đồng minh lâu đời nhất của mình ở khu vực và không chứng minh được sự lãnh đạo hiệu quả, đáng tin cậy của mình trong một liên minh toàn cầu chống lại cái mà Moscow gọi là “sự bá quyền của Mỹ”.
Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Syria năm 2015, Syria nổi lên như một biểu tượng cho sự trỗi dậy của Nga trên trường quốc tế. Lực lượng Nga đã không kích vào các lực lượng đối lập Syria và làm cán cân quyền lực nghiêng về phe ông al-Assad. Điều này gửi đi thông điệp rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo để ủng hộ các đồng minh và khẳng định lợi ích của mình trong khu vực.
Còn ông R. Clarke Cooper - thành viên cấp cao không thường trú của Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương - cho rằng việc quân nổi dậy lên nắm quyền ở Syria cho thấy sự mất mát lớn có thể xảy ra đối với khoản đầu tư đáng kể của Nga vào chính quyền ông al-Assad.
“Nga hiện có thể phải đối mặt với việc mất căn cứ hải quân nước ấm Tartus cũng như căn cứ không quân Hmeimim (Khmeimim). Thiệt hại đối với khả năng triển khai, cơ động lực lượng của Moscow ở châu Phi và Địa Trung Hải có thể có tác động chiến lược đến ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới” - ông Cooper nhận định.
Tia hy vọng dành cho Nga
Dù vậy, mức độ ảnh hưởng của việc đồng minh tại Syria sụp đổ đối với Moscow vẫn chưa rõ ràng. Giới chuyên gia cho rằng câu hỏi lớn nhất là liệu Nga có đạt được thỏa thuận với chính phủ mới của Syria để giữ lại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim hay không.
Ông Anton Mardasov - chuyên gia chuyên về Trung Đông ở Moscow - không chắc liệu Nga có thể đạt được thỏa thuận như vậy hay không vì Nga đã dùng các căn cứ đó để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phe đối lập của Syria.
Theo ông Mardasov, việc mất các căn cứ ở Syria sẽ cản trở một số tham vọng của Nga nhằm biến Moscow trở thành cường quốc toàn cầu, vì chúng rất quan trọng đối với việc hiện diện, thể hiện sức mạnh của Nga ở những nơi xa xôi như Tây Phi.
Những chiếc xe tăng bị quân đội Syria bỏ lại tại căn cứ không quân Mezzeh ở thủ đô Damascus. Ảnh: GETTY IMAGES
Giới quan sát cho rằng lựa chọn tốt nhất của Nga có thể là đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ một số nhóm nổi dậy tại Syria, để giúp Moscow duy trì các căn cứ ở Syria.
Ông Antonio Giustozzi - học giả tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia ở London (Anh) - cho rằng nếu có thể bảo vệ được căn cứ của mình và đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, thì Moscow sẽ khá hài lòng. Theo ông Giustozzi, tất cả phụ thuộc vào việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thực sự thân, có đủ sức mạnh và ảnh hưởng để thuyết phục lực lượng nổi dậy Syria chấp nhận một thỏa thuận như vậy hay không.
Ông Mark N. Katz - thành viên cấp cao không thường trú của Chương trình Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương - cho rằng vẫn có một tia hy vọng cho Moscow: sự sụp đổ của chính quyền al-Assad thân Nga sẽ không dẫn đến việc một chế độ thân phương Tây thế chỗ, như đã xảy ra trong các "cuộc cách mạng màu" trước đây.
Cạnh đó, theo ông Katz, nếu xảy ra cuộc tranh giành quyền lực giữa những nhóm nổi dậy, vốn đã cùng nhau giành chiến thắng ở Syria, có thể mang đến cho Moscow cơ hội để hợp tác với nhóm này để chống lại nhóm khác.
Trước đó, ngày 27-11, phe nổi dậy do liên minh Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo, cùng với một nhóm chung gồm các lực lượng dân quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có tên là Quân đội Quốc gia Syria đã phát động cuộc tấn công lật đổ chính quyền ông al-Assad.
Các lực lượng nổi dậy mới giành quyền kiểm soát chính phủ Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad rời đi đã trả lời về vấn đề an ninh đối với căn cứ...
Nguồn: [Link nguồn]